Đào tạo nhân lực nghề hàn: Khó tuyển sinh vì... độc hại?

GD&TĐ - Cơ hội việc làm rộng và có thu nhập cao, bên cạnh nhu cầu trong nước, nghề hàn cũng là một ngành mà các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn “khát” lao động. Tuy nhiên, đây là nghề mà giới trẻ không mặn mà.

Các học viên đang được hướng dẫn hàn bằng robot di động
Các học viên đang được hướng dẫn hàn bằng robot di động

Thiếu nhân lực, khó tuyển sinh

Nguyễn Chí Thành, sinh viên K18 nghề cắt gọt kim loại Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ chia sẻ: Em chọn nghề này bởi sự đam mê của bản thân với ước mơ sau này sẽ có cơ hội sang Nhật Bản, Hàn Quốc để học tập chuyên sâu. Các thầy cô giáo tâm huyết trong công tác giảng dạy, đặc biệt, rất chú ý chỉ dẫn cho học sinh, sinh viên những kiến thức và kỹ năng thực hành về an toàn nghề nghiệp. Chương trình thực hành tại xưởng chiếm phần lớn thời gian đào tạo.

Theo Thành, ở xưởng, em và các bạn được thực hành làm các sản phẩm cơ khí. Với trình độ hiện nay, em có thể thực hành nghề, gia công sản phẩm theo yêu cầu một cách thành thạo và tự tin trong nghề cắt gọt kim loại cũng có hàn, về cơ bản thì học được, nhưng để học chuyên sâu thì em không cảm thấy ưa thích, chưa kể được nghe nói rằng bụi hàn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo của nghề hàn luôn ở mức cao nhất trong tất cả các ngành. Mức lương của thợ hàn kỹ thuật cao 5G, 6G có thể lên tới 2 triệu đồng/ngày. 

Thầy Trần Thanh Điền, Trưởng khoa Cắt gọt kim loại cho biết: Do đặc thù nghề hàn phải tiếp xúc nhiều với môi trường độc hại, thiết bị trước đây cũng thiếu an toàn vệ sinh lao động, nên học sinh, sinh viên hầu như không mặn mà với nghề này. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ mới được đưa vào ứng dụng trong đào tạo và thực hành. Bên cạnh đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, giáo viên còn chỉ dẫn cho các em, những vị trí việc làm cụ thể của nghề hàn trong các doanh nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất…

Ở vùng nông thôn, các bậc phụ huynh và học sinh thường cho rằng nghề hàn là rất độc hại bởi khí và tia sáng hàn. Cùng với sự phát triển xã hội nói chung, cơ hội việc làm trong nhiều ngành nghề khác rộng mở, là những nguyên nhân khiến cho nghề hàn không nhận được sự quan tâm của giới trẻ.

Đổi mới đào tạo và thu hút người học

Bà Phan Thị Thùy Trang, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ nêu rõ: Nhu cầu ngành hàn hiện nay rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã đến đặt hàng, tuy nhiên nhà trường thường không đủ nhân lực cung cấp cho doanh nghiệp.

Năm học 2018 – 2019, Trường CĐ Nghề Cần Thơ bắt đầu tuyển sinh lại nghề hàn với chỉ tiêu là 30 học sinh, nhưng hiện nay mới có 10 em vào học. Các em theo nghề này đều có định hướng rõ ràng từ trước khi vào học như xuất khẩu lao động, hoặc đã chuẩn bị sẵn nơi làm việc sau khi học nghề. Sinh viên nghề cắt gọt kim loại đều biết hàn, nên doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng nhận các em vào làm việc với mức lương khởi điểm phổ biến là 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Cũng theo bà Phan Thị Thùy Trang, công nghệ hàn và quá trình đào tạo nghề hiện nay đã có những tiến bộ nhất định. Hàn, cắt kim loại đã từng bước được hiện đại hóa, nhiều công đoạn do máy thực hiện, người làm việc chỉ cần “đặt lệnh” cho máy… Cùng với kĩ năng chuyên môn, nhà trường còn chú trọng đào tạo an toàn lao động cho học sinh. Tới đây, nhà trường sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chương trình đào tạo nghề hàn để giảm thiểu các yếu tố độc hại khi thực hành.

Nhà trường đào tạo hàn cơ bản theo chương trình khung đã được quy định và nằm trong phần chung của nghề cắt gọt kim loại. Sau đào tạo, các em có thể làm sắt tại các công trình, đường ống, cửa xếp, lan can… Mặc dù khó tuyển sinh, nhưng nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về nghề hàn; giảm 70% học phí để thu hút đủ chỉ tiêu đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ