Lao động Việt: Không thể mãi là “miếng bánh” giá rẻ

GD&TĐ - Lâu nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng một trong những lý do khiến các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến đầu tư tại Việt Nam là vì nguồn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Cường (Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng châu Á tại Việt Nam) nhận định thời điểm hiện nay “ưu thế” này đã khác.

Một số doanh nghiệp năng động đã chủ động kết hợp với nhà trường đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp
Một số doanh nghiệp năng động đã chủ động kết hợp với nhà trường đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp

“Đào tạo lại”- nhu cầu từ doanh nghiệp

Yếu tố gì khiến lao động giá rẻ không phải là ưu thế lớn nhất thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?

- Để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có nhiều khía cạnh, bên cạnh nguồn lao động giá rẻ phải kèm theo đòi hỏi khác. Năng suất lao động quan trọng hơn nguồn lao động giá rẻ. Trên thực tế, thù lao cho lao động Việt Nam có giá tương đối rẻ so với các nền kinh tế khác, nhưng năng suất lao động lại thấp hơn rất nhiều, thậm chí là rất thấp nếu so sánh ở ngay trong khu vực Đông Nam Á.

Cho nên, lao động giá rẻ và năng suất lao động là hai yếu tố quan trọng để doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam cân nhắc. Các nhà đầu tư sẽ ngày càng quan tâm đến năng suất lao động hơn là yếu tố lao động giá rẻ.

Ông Nguyễn Minh Cường (bên trái) cùng ông Eric Sidgwick trong lần trả lời báo chí tại Hà Nội tháng 9 vừa qua. Ảnh: Thanh Tuấn
 Ông Nguyễn Minh Cường (bên trái) cùng ông Eric Sidgwick trong lần trả lời báo chí tại Hà Nội tháng 9 vừa qua. Ảnh: Thanh Tuấn

Đã nhiều lần các chuyên gia kinh tế đề cập vấn đề chất lượng lao động Việt Nam chưa đáp được nhu cầu của doanh nghiệp. Với kinh nghiệm đầu tư quốc tế, ông có gợi ý gì về việc thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp?

 Ông Eric Sidgwick (Giám đốc quốc gia của Ngân hàng châu Á tại Việt Nam): “Tôi cho rằng đào tạo nghề của Việt Nam không nằm ngoài các quan điểm chung từ phía doanh nghiệp về lao động. Hiện nay, có những phân khúc mà người lao động cần có những kỹ năng cao hơn. Các kỹ năng chuyên môn được đòi hỏi khác nhau theo những gì mà thị trường lao động đang cần. Việc cân đối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong vấn đề đáp ứng nhu cầu lao động hết sức quan trọng”.

- Nếu nhìn vào các lĩnh vực có đầu tư FDI, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam, thấy rằng riêng ở doanh nghiệp FDI, các nhà đầu tư đã có sự đầu tư trực tiếp vào đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu riêng của họ. Còn ở doanh nghiệp tư nhân, trong lĩnh vực xây dựng, đồ nội thất… chất lượng lao động Việt Nam phải nói là rất cao.

Nhà nước đã tạo ra những khuôn khổ chính sách để phát triển đào tạo dạy nghề. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng dạy nghề phải gắn với yếu tố thị trường. Bởi vì, ngay trong dòng chuyển của FDI cũng mang theo hai yếu tố quan trọng là công nghệ và kỹ năng. Nếu như kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập (kể cả về nông nghiệp, công nghiệp…) sẽ có sự tăng cường về chuyển giao công nghệ, kỹ năng từ các doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp Việt Nam, do đó chất lượng lao động buộc phải tăng cao.

Trên thực tế, trong sử dụng lao động còn cần chú trọng vấn đề “đào tạo lại” lao động. Tình trạng máy móc thay thế con người là một nguy cơ dẫn đến lao động dư thừa, “đào tạo lại” giúp giải quyết dư thừa lao động. Đây là vấn đề quan trọng, cần có chính sách cụ thể. Trong cả khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp tư nhân, vấn đề “đào tạo lại” giúp lao động có điều kiện tiếp cận những việc làm mới, mất việc làm này có thể làm việc khác.

Từng có 15 năm làm việc như một chuyên gia kinh tế tại nước ngoài, nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực ASEAN, ông có gợi ý gì về phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu xã hội?

- Với doanh nghiệp FDI, đào tạo là vấn đề gắn với lợi ích thiết thực của họ, không có lao động chất lượng tốt doanh nghiệp FDI không thể hoạt động tốt được. Do đó, bao giờ họ cũng dành ra những khoản đầu tư tài chính nhất định để đào tạo lao động.

Theo tôi, các cơ sở đào tạo nên dựa trên nhu cầu thật sự của thị trường, nếu không doanh nghiệp sẽ rất khó sử dụng lao động được cơ sở đào tạo cung cấp. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở đào tạo phải có được kết quả cụ thể khảo sát về thị trường, đối với từng lĩnh vực, từng ngành nghề cần lao động ra sao… Vai trò của Nhà nước, Bộ, ngành liên quan là phải định hướng cho những khảo sát như vậy. Làm thế nào để có thể khảo sát được nhu cầu thật của thị trường lao động, từ đó đưa ra đường lối, chương trình đào tạo phù hợp.

Vấn đề đào tạo lại rất quan trọng. Bởi một lao động có thể làm việc tốt, thích ứng tốt với những thay đổi của công việc, đối diện được với những khủng hoảng về công việc nếu được đào tạo lại trong quá trình lao động tại doanh nghiệp.

Tại sao cái bắt tay còn lỏng lẻo?

Doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Ảnh: Thanh Tuấn
Doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Ảnh: Thanh Tuấn 

Thực tế đã có nhiều nỗ lực trong kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố chủ quan, khách quan mà mối quan hệ này vẫn bị cho là còn lỏng lẻo. Theo ông, sự “bắt tay” này tại sao lại khó khăn như vậy?

- Doanh nghiệp tại Việt Nam phần lớn là những doanh nghiệp tư nhân vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nhóm này vẫn ở mức đơn giản, chưa đòi hỏi công nghệ cao. Chẳng hạn, lĩnh vực dịch vụ bán lẻ, dịch vụ ăn uống… chưa đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao nhiều, nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thấy vấn đề đào tạo nâng cao tay nghề hay kết hợp với cơ sở đào tạo thật sự cần thiết.

Nhưng khi Việt Nam phát triển hơn, ví dụ những doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam bắt đầu đi vào sản xuất điện, sản xuất cơ khí… buộc họ phải có sự đầu tư trong đào tạo và đào tạo lại cho lao động, bởi khi đó họ không thể sử dụng những lao động chân tay kỹ năng thấp, năng suất lao động thấp.

“Người lao động cần được biết thị trường lao động đòi hỏi họ phải có những kỹ năng gì, không chỉ là những kỹ năng về chuyên môn, mà còn gồm những kỹ năng khác như học hỏi, hành xử, giữ kỷ luật trong lao động… Đấy là những kỹ năng mà người lao động cần phải tìm đến. Một điểm nữa cần được đảm bảo là những kỹ năng của người lao động  mà các cơ sở đào tạo đang thực hiện trong chương trình phải là những kỹ năng mà các ngành kinh tế đang đòi hỏi”. 
Chuyên gia kinh tế 
Eric Sidgwick  

Sự kết nối giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo cũng còn tùy thuộc vào thực trạng kinh tế. Bởi nếu thực trạng kinh tế vẫn ở mức thấp, hàm lượng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh thấp thì doanh nghiệp cũng chưa cần thiết phải bỏ nhiều tâm sức vào đào tạo nâng cao tay nghề lao động. Tại Việt Nam hiện nay, phần GDP của kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn, nhưng yêu cầu về kỹ năng lao động, hàm lượng lao động có kỹ thuật, kỹ năng cao vẫn thấp. Nhiều hộ sản xuất nhỏ chỉ sử dụng vài lao động nên họ cũng không có nhu cầu hợp tác với cơ sở đào tạo để nâng cao tay nghề cho lao động hay đào tạo lại cho lao động.

Trước thực tế Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ và kinh doanh hộ gia đình, từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực, ông có cho rằng cần có những tổ chức giúp khu vực doanh nghiệp này tập hợp những nhu cầu đào tạo, để cùng kết hợp nâng cao chất lượng lao động, nhằm đón đầu thay đổi và đòi hỏi cao hơn của thị trường lao động?

- Ở Việt Nam, tôi thấy các ngành nghề truyền thống, các làng nghề có đào tạo theo cách thức như vậy. Nhưng đào tạo ở đây vẫn đơn giản, không phải tập trung theo trường lớp, có thiết bị, có máy móc, có giảng viên… Vấn đề ở đây là việc đào tạo nâng cao tay nghề có diễn ra, chẳng hạn các làng nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề làm bánh Trung thu… đều tập hợp lao động cần đào tạo để nâng cao tay nghề. Nhưng thực tế, bên cạnh việc đào tạo này ở một số nghề người nắm giữ bí quyết vẫn còn ít truyền rộng ra ngoài. Do đó, đối với nghề truyền thống nên đặt vấn đề làm sao giữ và phát triển nghề truyền thống, nhưng cũng phải làm thế nào để tăng năng suất, chất lượng lao động. Đây là thực tế cần lưu ý ở những loại hình sản xuất nhỏ lẻ còn ít hiệu quả kinh tế.

Thời gian gần đây Việt Nam thúc đẩy thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), nhìn vào khía cạnh lao động và doanh nghiệp nếu không bắt kịp sẽ bị tụt hậu. Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận thị trường và sự nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng mới. Doanh nghiệp tư nhân Việt rất nhạy bén. Vấn đề là Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn, đồng thời tạo chính sách để doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận công nghệ mới thuận lợi.

Trên thực tế, doanh nghiệp Nhà nước được ưu tiên rất nhiều từ trước đến nay về vốn cũng như về công nghệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng cuộc CMCN 4.0 sẽ đi nhanh và có tác động mạnh hơn với đòn bẩy là doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt với những “Start-up” (doanh nghiệp mới khởi nghiệp) đòi hỏi sự nhanh nhạy, linh hoạt và chủ yếu là những doanh nghiệp tư nhân. Còn ở khối doanh nghiệp Nhà nước, nếu không có sự thay đổi theo đòi hỏi của CMCN 4.0 thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu.

Quá trình thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra. Vốn tư nhân trong doanh nghiệp Nhà nước cũng đang tăng dần lên. Điều này cho thấy dấu hiệu gì, thưa ông?

Tôi cho đây là một dấu hiệu tích cực và khả quan. Vốn tư nhân tăng lên thì chất lượng của doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ thay đổi, đồng thời kích thích các doanh nghiệp Nhà nước tìm tòi những hướng phát triển, hướng vào công nghệ mới.

Quan trọng, kinh tế doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình vẫn chiếm một tỷ trọng lớn. Đây là một khu vực năng động, có động lực rất lớn để tận dụng và phát triển công nghệ, nắm bắt cuộc CMCN 4.0.

Nếu nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển của nền kinh tế từ năm 1986, trong quá trình đổi mới, sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ rất đáng khích lệ. Đặc biệt từ sau 1995 (Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam) đến năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO, doanh nghiệp tư nhân lại càng có điều kiện để phát triển.

Đến nay, Việt Nam đã có những doanh nghiệp tư nhân tỷ đô (USD), phát triển từ doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành doanh nghiệp lớn, cho thấy đó là bước tiến đáng mừng và cũng là bước phát triển theo đà phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, tương tự như vậy doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch.

Động lực phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thật sự là rất mạnh, đã hình thành những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

- Xin cảm ơn ông!

“Luật đào tạo nghề đã được ban hành ở Việt Nam, tuy nhiên việc giám sát thực hiện, chính sách về đào tạo nghề rất quan trọng. Các cơ sở đào tạo nghề cũng cần có sự cải tổ, thay đổi làm sao để có được quan điểm rõ ràng, tổng hợp xem hiện thị trường lao động, doanh nghiệp đang cần những kỹ năng gì ở người lao động. Đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động, của doanh nghiệp cũng là cách mà các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo phù hợp  một cách rõ ràng, chi tiết. Để sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo được tăng cường hơn, chính những cơ sở đào tạo phải nỗ lực hơn nữa”.  Chuyên gia kinh tế  Eric Sidgwick

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ