Mô hình đào tạo kỹ sư thực hành và sáng tạo: Thúc đẩy đào tạo 9+

GD&TĐ - Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp, từ năm 1961, Nhật Bản đã hình thành mô hình đào tạo Kosen, cho phép HS vừa học văn hóa vừa học nghề, chuyển đổi để học lên cao hơn. Theo đánh giá của đối tác, GDNN Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận và ứng dụng hiệu quả mô hình này.

Mô hình Kosen sẽ giúp các em HS sớm được tiếp cận với công nghệ mới
Mô hình Kosen sẽ giúp các em HS sớm được tiếp cận với công nghệ mới

Vừa học văn hóa vừa học nghề

Để đào tạo, phát triển cả về chất lượng, số lượng kỹ sư có kỹ năng thực hành và sáng tạo, Nhật Bản đã xây dựng trên 50 trường CĐ chuyên ngành (CĐ Kosen). Tại trường, ngoài hướng dẫn về lý thuyết, kỹ năng, người học còn được tăng cường “khả năng sáng tạo” và “khả năng giải quyết vấn đề”, nhờ các buổi học theo mô hình sản xuất sáng tạo và nghiên cứu. Nuôi dưỡng “tinh thần kỹ thuật viên” cho học viên thông qua việc giao tiếp mật thiết giữa giáo viên và HS, bao gồm cả việc đào tạo qua các hoạt động ngoại khóa.

Chính sách đào tạo nghề của Nhật Bản thể hiện rõ sự phân luồng sau trung học, đặc biệt với mô hình Kosen, cho phép HS vừa học văn hóa vừa học nghề. Kết thúc quá trình học tập, người học đồng thời sở hữu tấm bằng có giá trị để tìm kiếm việc làm. Mô hình này tiếp nhận HS sau khi tốt nghiệp THCS ở độ tuổi 15 và đào tạo tiếp trong 5 năm để cấp bằng CĐ. Tỷ lệ học văn hóa giảm dần và kiến thức chuyên môn nghề nghiệp tăng dần theo thời gian. Mô hình đào tạo Kosen cũng cho phép người học vào học CĐ sau khi tốt nghiệp THPT hoặc chuyển đổi sang hệ thống GD ĐH.

Hiện nay, mô hình Kosen được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, thông qua các chương trình đào tạo chất lượng cao, bằng cấp của Kosen đáp ứng được nhu cầu nhu cầu của thị trường lao động.

Những học viên tốt nghiệp tại CĐ Kosen được đánh giá là “kỹ sư thực hành và sáng tạo”. Khác với kỹ sư thông thường, họ là những người có thể nghĩ ra những ý tưởng nhờ vào sự hiểu biết và kỹ năng, chịu trách nhiệm truyền đạt các thông tin cần thiết giữa nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên ở nhà máy. Với vị trí quan trọng như vậy, tỷ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của mô hình Kosen là gần 100% ở tất cả các ngành nghề đào tạo. Ước tính hiện có khoảng 300.000 SV tốt nghiệp Kosen đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế Nhật Bản trong các ngành công nghiệp, các lĩnh vực học thuật như thiết kế, nghiên cứu, quản lý…

Có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam

Tiếp cận và ứng dụng mô hình Kosen tại Việt Nam, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy thuộc Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Từ tháng 11/2013, dự án hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành hóa chất công nghiệp nặng đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trường ĐH Công nghiệp TPHCM thực hiện. Kosen Nhật Bản cũng đã cử chuyên gia sang thường trú dài hạn, hỗ trợ một số trường ĐH và CĐ nghề của Việt Nam như: Trường CĐ Công thương Phúc Yên, CĐ Công thương Huế, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, ĐH Điện lực…

Các trường trong dự án đã cải tiến chương trình giảng dạy theo mô hình Kosen, trong đó tập trung vào GD an toàn, mở rộng mô hình 5S, đào tạo sáng tạo, GD thiết kế kỹ thuật, học tập dựa trên giải quyết vấn đề… và chủ động kết nối với doanh nghiệp.

Để áp dụng hiệu quả mô hình này, TS Vũ Xuân Hùng cho rằng: Cần nghiên cứu, xây dựng mô hình đào tạo 9+ theo điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam, cụ thể:

Giai đoạn 1, đào tạo 2 năm (9+2) phần khối lượng kiến thức văn hóa THPT và một số nội dung tri thức nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp;

Giai đoạn 2, đào tạo 1 năm (9+3) phần tri thức nghề nghiệp trình độ trung cấp và một phần văn hóa THPT;

Giai đoạn 3, đào tạo 2 năm phần tri thức nghề nghiệp tương đương trình độ CĐ với các dự án, đồ án tốt nghiệp và một phần nhỏ kiến thức văn hóa THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ