Mặc dù thuộc nhóm đối tượng yếu thế về cơ hội học nghề, việc làm, thu nhập cũng như quan hệ xã hội, nhưng hầu hết NKT đều mong muốn và khát vọng đạt được những yêu cầu cơ bản.
93,5% chưa được đào tạo nghề
Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về NKT, 40% NKT còn khả năng lao động. Tuy nhiên, trong số đó, tỷ lệ người có việc làm chiếm 30%; Chỉ có khoảng 6,5% NKT được đào tạo nghề. Đa số người còn khả năng lao động đều mong muốn được đào tạo nghề để có cơ hội tìm việc làm phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh, tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, từ trước đến nay, NKT thường được quan tâm riêng chứ không đặt trong hoạt động chung của cộng đồng.
Sự chú ý của xã hội thường tập trung vào khiếm khuyết hơn là năng lực và những gì NKT không thể làm được hơn là những gì họ có thể làm. Đây được xem là một trong những rào cản đáng kể đối với NKT khi tiếp cận nghề nghiệp. Bên cạnh đó, NKT thường gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dự án, nguồn vốn cũng như các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thông tin thị trường…
Đối với các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp (GDNN), NKT cũng đang gặp nhiều khó khăn khi các chương trình đào tạo nghề chưa thực sự đa dạng, cơ sở GDNN chủ yếu tập trung ở vùng đô thị. Ở vùng sâu, vùng xa, các trung tâm GDNN chỉ có một số chương trình nghèo nàn, không phù hợp với các dạng tật khác nhau, nên NKT dù có nhu cầu học tập cũng khó tiếp cận được dịch vụ đào tạo.
Sự chấp thuận của xã hội cũng như cam kết chính trị thu hút NKT tham gia vào hệ thống đào tạo chung còn chưa phổ biến. Do bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên NKT luôn tự ti, mặc cảm, sống khép mình. Nghèo khổ và chi phí đào tạo trong cơ chế thị trường đang là những rào cản khiến NKT khó tiếp cận đào tạo nghề và việc làm.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Theo chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hiêp Quốc, phát triển ở mỗi quốc gia được coi là bền vững khi không để ai bị bỏ lại phía sau. Cần thống nhất được nhận thức, Nhà nước và xã hội phải bảo đảm cho những ai sống trong tình trạng khó khăn, dễ bị tổn thương, đều được giúp đỡ để chống chọi lại những cú sốc về thể chất bản thân. Trong đó, giúp cho NKT tiếp cận các dịch vụ GDNN chính là một giải pháp.
PGS. TS Mạc Văn Tiến, chuyên gia Dự án đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) khuyến nghị: Cần chú trọng đầu tư nâng cao năng lực các trường dạy nghề có NKT theo học, bao gồm cả hạ tầng và đội ngũ giảng viên; Khuyến khích và có ưu đãi đặc biệt đối với cơ sở GDNN thu hút được nhiều NKT vào học; Hình thành hệ thống GDNN linh hoạt, song song với việc dạy nghề theo mô hình tập trung, cần chú trọng phát triển mô hình đào tạo tại cộng đồng cho NKT;
Xây dựng và hoàn thiện chính sách dạy nghề cho NKT; Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với lớp, người học nghề là NKT, theo từng nhóm dạng tật; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thiết kế bài giảng và phương pháp giảng dạy, phù hợp với thể trạng khuyết tật của NKT.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho NKT đã có nhiều cố gắng, bình quân mỗi năm có khoảng 10.000 NKT được học nghề. Hiện, cả nước có 55 cơ sở chuyên biệt và hơn 200 cơ sở GDNN có tham gia dạy nghề cho NKT. Các hoạt động trợ giúp NKT đã thay đổi căn bản, chuyển từ trợ giúp mang tính nhân đạo, từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập xã hội.