Đào tạo mô hình 9+: Hướng nghiệp, giảm áp lực tuyển sinh vào 10

GD&TĐ - Vừa học nghề, vừa học văn hóa theo mô hình 9+ không chỉ giảm áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10...

Học sinh, sinh viên hệ Cao đẳng 9+ tự tin thực hành, thực tập công việc ngay trên ghế nhà trường. Ảnh: NTCC
Học sinh, sinh viên hệ Cao đẳng 9+ tự tin thực hành, thực tập công việc ngay trên ghế nhà trường. Ảnh: NTCC

Đây còn là chính sách phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Mô hình này rút ngắn thời gian đào tạo, người học sớm có nghề nghiệp khi tham gia vào thị trường lao động ngay sau khi hoàn thành chương trình học tập này.

Trò chuyện với Báo Giáo dục & Thời đại về vấn đề này, TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, nhu cầu học ở các trường nghề, mô hình cao đẳng 9+ đang là lựa chọn tối ưu hơn cả, bởi chi phí cơ bản thấp và học sinh lại được học “song bằng”.

* Ông Phạm Ngọc Chuyên, Chủ tịch Công ty Tân Hải Anh: Chủ động nguồn lao động chất lượng, ổn định

Với việc hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, chúng tôi có nguồn nhân sự chất lượng và đáp ứng yêu cầu. Qua nhiều năm, công ty có đóng góp ý kiến để nâng cao, hoàn thiện chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của khách hàng, việc này giúp các em học sinh, sinh viên có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm, thích ứng ngay với máy móc tại đơn vị.

Mô hình 9+ và hợp tác đào tạo giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí đào tạo ban đầu, đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất. Những em xuất sắc được công ty đề nghị mời về làm việc, cơ hội thăng tiến rõ ràng, thậm chí đảm nhiệm vị trí cán bộ chủ chốt trong tương lai.

Giải pháp chính thực hiện Đề án 522

- Thưa ông, việc đào tạo theo mô hình cao đẳng 9+ đã tạo ra sự khác biệt thế nào?

- Tại Hà Nội, nơi chỉ có khoảng 60 - 70% học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập mỗi năm, nhu cầu học ở các trường nghề, mô hình cao đẳng 9+ đang là lựa chọn tối ưu hơn cả, bởi chi phí cơ bản thấp và học sinh lại được học “song bằng”.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến số học sinh lớp 9 tại thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 tăng khoảng 5.000 em hơn so với năm học trước. Nhìn lại năm học 2022 - 2023, trên 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó gần 80.000 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập (chiếm hơn 60%). Dự báo áp lực thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025 sẽ lớn hơn.

Quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp THCS được phép vào học trình độ trung cấp. Trong quá trình học trình độ trung cấp, học sinh sẽ được học song song khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Cụ thể, các em sẽ học chương trình với 4 môn văn hóa cơ bản hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, với phương án này một số trường áp dụng, nhưng chưa đủ cấp bằng THPT riêng biệt. Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) và áp dụng cho học sinh học 8 môn văn hóa theo quy định để đủ điều kiện tham gia dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Sau khi hoàn thành chương trình văn hóa THPT, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT Hà Nội cấp bên cạnh bằng trung cấp của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Người học có cơ hội học liên thông lên trình độ cao hơn hoặc tham gia vào thị trường lao động.

TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Đăng Chung

TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Đăng Chung

- Ông nhận định thế nào về ý kiến: Học sinh học nghề từ lớp 10 là quá sớm?

- Việc học nghề từ sớm là xu hướng tất yếu, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của phụ huynh và học sinh. Nhiều em xác định được sở thích, năng lực, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế gia đình để theo học từ sớm để rút ngắn thời gian học tập, có việc làm nhanh hơn các bạn cùng trang lứa.

Với mô hình cao đẳng 9+, tôi cho rằng đây là giải pháp chính để góp phần thực hiện thành công Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Từ năm 2018 tới nay, không ít học sinh cao đẳng 9+ tại nhà trường có kết quả học nghề và học văn hóa nổi trội. Tiêu biểu như em Nguyễn Viết Sơn - lớp 12C5 đã xuất sắc đạt 7.5 IELTS khi chưa tốt nghiệp THPT và được xét tuyển thẳng vào khoa Công nghệ Thông tin (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội). Tương tự, em Trần Thành Đô đạt 7.5 IELTS khi đang học lớp Văn hóa 11C6 ...

Ngoài ra, nhiều học sinh đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp TP Hà Nội, giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Kỹ năng nghề các cấp. Đáng chú ý có sinh viên khi đi thực tập đã được doanh nghiệp trả lương tới gần 19 triệu đồng/tháng.

Trong 5 năm triển khai mô hình đào tạo này, để thu hút thêm ứng viên, nhà trường đã miễn phí học nghề, tặng học bổng cho những em có kết quả học tập đầu vào cao hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhà trường còn hỗ trợ chỗ ở trong ký túc xá với mức ưu đãi. Với học sinh cao đẳng 9+, sau khi tốt nghiệp THPT, các em có cơ hội thực tập tại doanh nghiệp và được trả lương đồng thời học bổ sung một số kiến thức, kỹ năng để lấy bằng Cao đẳng chính quy.

Học sinh hệ Cao đẳng 9+ đỗ tốt nghiệp THPT các năm đạt trên 98%. Ảnh: NTCC

Học sinh hệ Cao đẳng 9+ đỗ tốt nghiệp THPT các năm đạt trên 98%. Ảnh: NTCC

Doanh nghiệp đến trường “săn” nhân lực

- Vậy đâu là những “điểm nhấn” trong đào tạo hệ 9+ của nhà trường, đặc biệt năm học 2024 - 2025 đang đến gần, thưa ông?

- Năm 2023 - 2024, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tuyển mới 450 học sinh hệ 9+, dự kiến năm học 2024 - 2025, con số này tăng lên là 650 chỉ tiêu với 18 nghề đào tạo. Hiện nhà trường đang đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, sinh viên sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ từ 70 - 100% học phí, tương ứng 2 - 4 triệu đồng/tháng cho toàn khoá học và trả lương khi thực tập.

Năm 2024, nhà trường có 700 chỉ tiêu, trong đó có nhiều thương hiệu lớn. Ví dụ Công ty TNHH Hanwha Aero Engines (50 chỉ tiêu) đặt hàng với nghề cắt gọt kim loại; Công ty TNHH XTech Future (400 chỉ tiêu) các nghề điện công nghiệp, điện tử công nghiệp; Công ty TNHH Tân Hải Anh và TNHH ITeSic (50 chỉ tiêu/đơn vị) với nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí hay Công ty Cổ phần Cơ khí CNC Hưng Thịnh (30 chỉ tiêu) với nghề chế tạo thiết bị cơ khí...

Là đơn vị trực thuộc UBND TP Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội còn phối hợp với UBND các địa phương để đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. Công tác đào tạo nghề cũng có nhiều đổi mới cả về nội dung chương trình và hình thức đào tạo theo hướng xã hội hóa, hợp tác liên kết để nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội. Qua đó góp phần “thổi luồng gió mới” vào đời sống ở khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

- Để đáp ứng nhu cầu vừa đào tạo vừa dạy văn hóa, nhà trường có giải pháp gì về cơ sở vật chất và đội ngũ?

- Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội vừa được bổ sung cơ sở vật chất, nhân lực, chuyên gia đến từ Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội sau khi thực hiện sáp nhập. Với định hướng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên có cơ hội học tập, làm việc với những giảng viên có tay nghề, chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.

Đặc thù ngành công nghệ, kỹ thuật cao đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, sinh viên được các công ty tiếp nhận, thực hành tại doanh nghiệp, đảm nhiệm vị trí ngay khi tốt nghiệp.

Về lâu dài, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội tiếp tục hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thực hành. Doanh nghiệp và nhà trường cùng nhau xây dựng, bổ sung tiết học phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Cụ thể, 70 - 80% thời lượng dành cho thực hành và 20 - 30% thời lượng cho lý thuyết.

- Trân trọng cảm ơn ông!

* Nhà giáo Lê Hoàn Châu - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội): Ôn tập song song với phân luồng hướng nghiệp

Ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh khối 9, đồng thời chú ý phân loại và kiểm tra đôn đốc các em. Nhà trường tổ chức họp, phối hợp với phụ huynh học sinh để tư vấn, trao đổi tình hình cũng như hỗ trợ học sinh ôn tập; đồng thời triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp, tư vấn và hướng dẫn tuyển sinh vào 10 từ kinh nghiệm các năm học trước.

Giáo viên hệ thống, củng cố kiến thức cho học sinh và tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả học tập ở từng giai đoạn để tiếp tục điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với mỗi đối tượng; hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, ôn tập hiệu quả.

Ngoài ra, nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, học tập trải nghiệm, hoạt động tập thể, tư vấn, trao đổi để nắm được tâm tư nguyện vọng cũng như tư vấn hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, phụ huynh. Đối với những học sinh yếu, nhà trường phân loại, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và phụ huynh rà soát nắm bắt tình hình để phụ đạo theo nội dung ôn tập riêng.

Trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 9 xác định rõ mục tiêu, xây dựng lộ trình/kế hoạch và thời gian biểu học tập, ôn tập cụ thể và hợp lý. Sau mỗi kì kiểm tra, cần rút kinh nghiệm và có thể điều chỉnh kế hoạch nếu cần thiết, duy trì việc tham gia một số hoạt động tập thể, luyện tập thể thao để giữ sức khỏe và tâm trạng tốt. Đồng thời tìm người tin cậy có thể đồng hành, chia sẻ, trao đổi và ôn tập cùng như bạn bè, thầy cô, người thân...

Phụ huynh chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho con em mình; lắng nghe, chia sẻ, đồng hành khích lệ, không gây áp lực và phối hợp chặt chẽ với thầy cô, nhà trường… đồng hành với con em cùng vượt "vũ môn".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

cách để trúng tuyển mùa tuyển sinh đại học 2024