Hướng nghiệp cho học sinh theo hình thức trực tuyến

GD&TĐ - Từ khi dịch Covid-19, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh đã triển khai mô hình tư vấn, hướng nghiệp qua hình thức trực tuyến.

Chương trình tư vấn, hướng nghiệp do Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Ảnh: NVCC.
Chương trình tư vấn, hướng nghiệp do Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Ảnh: NVCC.

Triển khai đến nhiều điểm cầu

Anh Phạm Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Từ nhiều năm qua, chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đã đóng vai trò quan trọng, ngày càng được đông đảo các lực lượng tham gia một cách nghiêm túc và tự giác. Đồng thời, sự quan tâm của quý phụ huynh và giáo viên là một trong những minh chứng cho sự chuyển biến về nhận thức đối với hoạt động tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp hiện nay.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh chuyển sang học trực tuyến, đòi hỏi cần thay đổi phương thức tư vấn, hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh thiếu niên, để nâng cao hiệu quả của công tác trên. Vì vậy, Trung tâm đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT theo hình thức trực tuyến.

Theo mô hình này, trung tâm xây dựng điểm cầu trung tâm ở một trường học, mời các chuyên gia, giảng viên nhiều trường đại học và cao đẳng về tư vấn, hướng nghiệp. Chương trình sẽ được truyền trực tiếp đến các điểm cầu khác ở các trường học trong huyện, thành phố.

Tính từ đầu năm 2023 tới nay, bằng hình thức tư vấn trực tiếp kết hợp với áp dụng nền tảng công nghệ số trực tuyến, Trung tâm đã tổ chức 5 chương trình tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh khối THCS tại TP Bắc Ninh, thị xã Quế Võ và huyện Tiên Du.

Gần 13.000 lượt học sinh thuộc khối 9 của 66 điểm trường THCS tham gia; gần 2.000 lượt truy cập tương tác chương trình mà đa phần là phụ huynh học sinh quan tâm, theo dõi…

“Việc tư vấn, hướng nghiệp trực tuyến giúp lan tỏa đến đông đảo các em học sinh một cách nhanh chóng, đối tượng tiếp cận rộng lớn, gồm cả phụ huynh và chi phí giảm, hiệu quả cao hơn so với cách làm truyền thống”, anh Thắng nhận xét.

Sau thời gian tổ chức tư vấn hướng nghiệp theo mô hình trên, Trung tâm ghi nhận sự đánh giá, thái độ, cảm xúc của nhà trường, học sinh cũng như chuyên gia hướng nghiệp theo hướng tích cực.

Chương trình tư vấn, hướng nghiệp được triển khai đến nhiều điểm cầu từ một điểm cầu chính. Ảnh: NVCC.

Chương trình tư vấn, hướng nghiệp được triển khai đến nhiều điểm cầu từ một điểm cầu chính. Ảnh: NVCC.

Những đánh giá tích cực

Anh Thắng chia sẻ, để làm nên thành công của chương trình tư vấn hướng nghiệp, Trung tâm lựa chọn diễn giả là những cá nhân có khả năng diễn thuyết trước công chúng. Diễn giả sẽ chia sẻ thông tin, kiến thức tới các bạn đoàn viên thanh niên thông qua sự vui vẻ và hào hứng. Đơn cử, diễn giả sẽ giới thiệu thông tin đăng ký thông tin cá nhân, lưu thông tin của doanh nghiệp … để tham khảo.

Ngoài ra, kiến thức chuyên môn cũng là yếu tố quan trọng, nhất là kiến thức về tư vấn, định hướng nghề nghiệp, nhằm lựa chọn diễn giả phù hợp. Bởi lẽ diễn giả có nhiều kiến thức về nghề nghiệp thì mới có thể thấu hiểu, mới chia sẻ những điều hay cho Đoàn viên, thanh niên và điều này đảm bảo cho sự thành công của chương trình.

Qua đó, tạo động lực cho các bạn đoàn viên thanh niên có ý thức học hỏi, tích luỹ thật nhiều các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc các cách ứng xử theo chuẩn mực ngay từ bây giờ để lựa chọn nghề nghiệp và con đường cho tương lai.

Sau các buổi tư vấn, chuyên gia đánh giá học sinh đã dần khai sáng được con đường cho riêng mình chứ không hẳn chỉ chăm chăm theo con đường mà phụ huynh đã định sẵn. Chuyên gia tư vấn cũng khẳng định rằng các phụ huynh học sinh cũng đã có cái nhìn mới về các trường nghề, trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Diễn giả cung cấp thông tin, kiến thức cho các bạn đoàn viên thanh niên. Ảnh: NVCC.

Diễn giả cung cấp thông tin, kiến thức cho các bạn đoàn viên thanh niên. Ảnh: NVCC.

Về phía các nhà trường luôn ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành cùng Trung tâm tổ chức, hệ thống cơ sở vật chất cũng cung cấp thông tin liên quan Các trường cũng tạo điều kiện hết khả năng để học sinh tiếp cận các chương trình tư vấn, hướng nghiệp một cách đầy đủ và thiết thực nhất..

Theo anh Thắng, trong công tác hướng nghiệp, nhà trường luôn là cầu nối, giúp truyền tải nội dung của chương trình đến từng phụ huynh cũng như tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia các chương trình cùng với con em mình để một phần nắm bắt được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của các em về công việc lựa chọn sau này.

Về phía học sinh, các em hào hứng tham gia chương trình, nhiệt tình trong các phần hỏi đáp để mở mang kiến thức của bản thân cũng như định hướng tương lai. Thông qua các buổi tư vấn, học sinh có thể kịp thời nhận ra bản thân đang thiếu cái gì cũng như sức học của mình có thể theo đuổi con đường nào trong tương lai. Từ đó, học sinh cũng bày tỏ mong muốn có thể tham gia nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp của Trung tâm trong tương lai.

“Nhiều chuyên gia tư vấn mong muốn Trung tâm tiếp tục thực hiện các chương trình tư vấn hướng nghiệp một cách mới mẻ, phong phú hơn nữa thể có thể kịp thời hỗ trợ các nhà trường, các bậc phụ huynh cùng các em học sinh trong định hướng nghề nghiệp. Đúng với chủ đề của chương trình: Hiểu mình – Hiểu nghề - Sáng tương lai”, anh Phạm Văn Thắng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ