Đào tạo cao học: Nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, thậm chí nhiều ngành tuyển không tới 50%.

Thí sinh làm thủ tục dự thi cao học tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.
Thí sinh làm thủ tục dự thi cao học tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

Một số ý kiến rằng do nhu cầu học thạc sĩ hiện nay cũng không nhiều, có nhiều đơn vị tổ chức đào tạo thạc sĩ.

Chỉ tuyển được một nửa chỉ tiêu

Là một trong những cơ sở GDĐH lớn tại TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) hiện đào tạo 13 ngành trình độ thạc sĩ. Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo IUH, trong những năm gần đây, số lượng trúng tuyển nhập học đối với hệ cao học tại trường chỉ đạt 50% so với chỉ tiêu đăng ký. Trong đó một số ngành khối kỹ thuật - công nghệ có số lượng ứng viên tham gia thi tuyển ít như: Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Kỹ thuật cơ khí, Hóa phân tích, Kỹ thuật điện, Quản lý tài nguyên   môi trường.

“Trung bình chỉ tiêu mỗi năm trên 500 thạc sĩ cho 13 chương trình đào tạo. Các năm chưa có dịch bệnh, trường tổ chức thi 2 đợt (đợt 1 vào tháng 5 hoặc 6, đợt 2 vào tháng 11) cũng tuyển được 200 - 300 chỉ tiêu. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, trường mới tổ chức thi đợt 1 với hơn 100 thí sinh trúng tuyển. Thời gian còn lại của năm 2021 chỉ còn hơn 1 tháng nên rất khó tổ chức tuyển sinh đợt 2…”, TS Nguyễn Trung Nhân cho biết.

Tương tự tại Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Số lượng thí sinh trúng tuyển cao học của trường so với chỉ tiêu những năm gần đây thường ở mức 50 - 60%. Trong đó, khối ngành kinh tế quản lý tương đối khả quan với số lượng trúng tuyển tương đương 80% chỉ tiêu; còn các ngành đào tạo công nghệ, kỹ thuật khó tuyển hơn.

“Một số ngành đào tạo thạc sĩ của trường có số lượng thí sinh dự tuyển đông và đảm bảo chỉ tiêu như đào tạo giáo viên (Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn, Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non, Quản lý giáo dục); Tâm lý học; Văn học Việt Nam; Địa lý học; Sinh thái học... Tuy nhiên, vẫn có một số chuyên ngành do tính chất đặc thù nên có số lượng thí sinh đăng ký dự thi hạn chế”, Phó Hiệu trưởng HCMUE chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) hiện đào tạo 26 chuyên ngành thạc sĩ, cũng gặp vấn đề tuyển sinh tương tự. Theo TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng HCMUE, đây là thực trạng chung của các trường đại học trong những năm gần đây. Chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ hàng năm của trường khoảng hơn 600, trong khi tuyển sinh chỉ đáp ứng được 2/3.

Theo PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trong 3 ngành đào tạo cao học của viện thì ngành Giáo dục học tuyển sinh tốt và luôn tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm; còn ngành Quản lý giáo dục tuyển sinh khóa đầu đạt khoảng 80% chỉ tiêu. Tuy nhiên, ngành Lý luận và phương pháp dạy học công nghệ, tuyển sinh từ năm 2018,  mỗi năm chỉ có 4 – 6 học viên đăng ký học ngành này, chiếm tỉ lệ rất thấp.

PGS.TS Trần Tiến Khoa (Hiệu trưởng IU) trao bằng tốt nghiệp và giấy khen cho học viên cao học tốt nghiệp xuất sắc năm 2020.
PGS.TS Trần Tiến Khoa (Hiệu trưởng IU) trao bằng tốt nghiệp và giấy khen cho học viên cao học tốt nghiệp xuất sắc năm 2020.

Nhu cầu ít, nhưng nhiều cơ sở đào tạo

Nói về việc tuyển sinh cao học ngày càng khó đủ chỉ tiêu, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng IU - cho rằng: Số lượng tuyển sinh sau đại học giảm sút là tình hình chung của các trường. Nguyên nhân chính của việc giảm sút này có lẽ là sự cạnh tranh ngày càng nhiều giữa các cơ sở GDĐH. Ngoài ra, người học cũng có nhiều lựa chọn khác, ví dụ như cơ hội du học ngoài nước và du học tại chỗ ngày càng trở nên rộng mở.

“Về phía IU, với đặc thù là trường đại học đa ngành, một số ngành kỹ thuật khá kén người học ở trình độ cao học. Ngôn ngữ đào tạo của trường là tiếng Anh, mặc dù là điểm mạnh chung trong đào tạo và nghiên cứu, nhưng cũng là một rào cản đối với một bộ phận người học…”, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ chia sẻ.

Cũng quan điểm này, TS Nguyễn Trung Nhân cho rằng: “Các quy định hiện nay về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giúp cơ sở đào tạo tự chủ hơn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, đồng thời cũng ràng buộc về trách nhiệm nâng cao chất lượng đối với đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, theo tôi, quy định này chưa tạo nên yếu tố đột phá khuyến khích người học tham gia nhiều hơn vào hệ đào tạo này”.

Ở góc độ cạnh tranh giữa các trường, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc lưu ý: Ngoại ngữ đầu vào vẫn là trở ngại đối với các thí sinh. Nhiều thí sinh dự thi vào trường có điểm thi các môn cơ bản và cơ sở khá cao, nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển vì môn ngoại ngữ không đạt yêu cầu. Ngoài ra, xu hướng các sinh viên khi tốt nghiệp đại học thường đặt mục tiêu ổn định nghề nghiệp, sau đó mới quay trở lại dự thi trình độ thạc sĩ.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT lần lượt ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo các bậc sau đại học. Với những điều chỉnh căn bản theo hướng tăng tính tự chủ cho các trường ĐH. Đáng chú ý là những điểm mới có tính đột phá như:
Các cơ sở GDĐH được phép tổ chức tuyển sinh trực tuyến, không giới hạn số lần tuyển sinh trong năm và do cơ sở GDĐH chủ động quyết định, liên thông giữa các trình độ thông qua việc cho phép người học chuyển đổi tín chỉ đã học và đăng ký trước học phần ở trình độ ĐH…; Bổ sung hình thức đào tạo vừa học vừa làm, cho phép đào tạo theo phương thức trực tuyến, không còn quy định thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1 đến 2 năm.
Với những điểm thay đổi có tính chất căn bản như trên, tôi cho rằng sẽ có sự khởi sắc trong việc tuyển sinh và đào tạo sau đại học tại IU nói riêng và hệ thống GDĐH Việt Nam nói chung… - PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ