Đáng chú ý, ở các cơ sở giáo dục ĐH công lập là trên 39.000 người (giảm 1,6% so với năm trước đó), trong khi cơ sở ĐH tư thục tăng trên 70% (với 5.763 người).
Lý giải xu hướng tuyển sinh cao học giảm ở trường công và đang tăng mạnh ở khối trường tư, dư luận phần nhiều hướng về việc người học “né” trường “khó vào - khó ra” để chọn học ở những trường “dễ vào - dễ ra”. Các trường “khó” được dư luận ngầm xác định là những trường công có bề dày tuyển sinh cao học, hiện đang đau đầu vì không tuyển đủ chỉ tiêu và giữ quan điểm không hy sinh chất lượng để lấy số lượng.
Còn các trường “dễ”, được ngầm hiểu là những trường mới đào tạo thạc sĩ sau này, là trường tư, đang “hot” trong tuyển sinh vì… dễ dãi trong đào tạo! Dư luận khẩn thiết yêu cầu ngành phải siết chặt quản lý đào tạo cao học, nhất là khối trường tư, vì cho rằng đã có tiêu cực trong cạnh tranh!
Siết chặt quản lý đào tạo cao học để chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, đảm bảo chất lượng, đó là việc cần làm. Song không thể cho rằng tỷ lệ tuyển sinh cao học của trường công giảm, trường tư tăng là do trường tư chạy theo lợi nhuận, “bán bằng”. Không phủ nhận đâu đó vẫn có những cơ sở giáo dục làm chưa tốt khâu tuyển sinh, đào tạo, để lọt những tấm bằng thạc sĩ chưa tương xứng với thực học của học viên. Nhưng trong câu chuyện dịch chuyển tuyển sinh cao học sang các trường tư, còn có những nguyên nhân hết sức tích cực khác, đó là sự nỗ lực bứt phá, chủ động, linh hoạt của trường tư!
Nếu như trước đây việc tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ gần như là sân chơi độc quyền của một số trường công, những năm gần đây, lĩnh vực này được triển khai ở hầu hết các trường ĐH công lập và tư thục. Miếng bánh được sẻ chia thì mức độ cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn. Trong cuộc cạnh tranh này, nhiều trường tư có sự đầu tư mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, không ít trường đã vượt xa trường công về nhiều mặt.
Đơn cử như chuyện tuyển sinh ĐH, nhiều năm qua, một số trường tư có số lượng thí sinh, điểm chuẩn đầu vào cao vượt trường công, thì giờ đây câu chuyện “vượt mặt” trường công trong tuyển sinh sau ĐH cũng là bình thường. Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, câu chuyện tiếp cận nguồn tuyển của các trường tư thực sự năng động, đổi mới, sáng tạo. Trong lúc nhiều trường công vẫn còn thiếu sự chủ động và linh hoạt, còn thụ động đợi học viên tìm đến mình, nhiều trường tư đã chủ động tìm đến các tỉnh, xuống huyện để tiếp cận người học, liên kết mở lớp cao học.
Tăng cường quản lý tuyển sinh, đào tạo sau ĐH là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm chất lượng, nhưng song song đó, để đạt được những chỉ tiêu tuyển sinh như mơ ước, bản thân các trường ĐH phải chủ động thay đổi. Không chỉ thay đổi về phương cách tuyển sinh, chất lượng đào tạo mà còn phải thay đổi cả nguồn tiếp cận đến với người học, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển sinh…