Ở bài viết này, xin được lạm bàn về danh hiệu cho nhà văn.
Chúng ta từng có “thầy thuốc ưu tú/nhân dân” dành cho các bác sĩ, có “nhà giáo ưu tú/nhân dân” dành cho những người làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục, có “nghệ sĩ ưu tú/nhân dân” dành cho những người làm công việc biểu diễn trên các lĩnh vực ca hát, múa… giờ để cho “công bằng”, có người đề xuất thêm cho nhà văn và kiến trúc sư.
Việc đề xuất danh hiệu ưu tú hay nhân dân cho nhà văn thoạt nghe thì có vẻ “bình thường” vì nhà văn hay nghệ sĩ biểu diễn đều là những người “có nghề” liên quan đến việc sáng tạo, song ngẫm kỹ thì lại thấy có gì đó không ổn nếu phong tặng danh hiệu ưu tú hay nhân dân cho nhà văn (trong đó có cả nhà thơ và nhà phê bình văn học).
Chính sự “gờn gợn” này mà khi nghe vị đại biểu nọ phát biểu đề xuất trên diễn đàn Quốc hội, lập tức nhiều nhà văn đã lên tiếng không đồng tình.
Theo các nhà văn này thì, việc phong tặng danh hiệu ưu tú/nhân dân cho nhà văn sẽ dẫn đến những hệ lụy không tốt trong đời sống văn chương. Đó là sẽ xuất hiện không ít người “chạy” cho được cái danh hiệu nặng tính hình thức kia để về “lòe” với thiện hạ.
Thực tế trong thời gian qua, việc “chạy” để đạt được mục đích nào đó đã xuất hiện trên hầu khắp các lĩnh vực. Đáng buồn thay, ngay trong đời sống văn học cũng có hiện tượng này.
Báo chí và mạng xã hội đã nói nhiều đến việc có một số người “chạy chọt” để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam dù tác phẩm của họ chỉ đáng ở mức câu lạc bộ xã, phường. Đã “chạy” được vào Hội Nhà văn thì “chạy” để trở thành nhà văn ưu tú/nhân dân tất sẽ xảy ra.
Một câu hỏi đặt ra là, nhà văn ưu tú/nhân dân là cái gì vậy? Có phải danh hiệu ấy nhằm khẳng định giá trị đóng góp của nhà văn cho nền văn học hay chỉ là những giá trị “ngoài văn chương”?
Nếu nhà văn đã đóng góp cho nền văn học những tác phẩm giá trị, có thể sống lâu với thời gian và bạn đọc thì có cần thiết phải gắn thêm cái mác ưu tú và nhân dân kia không? Đó là chưa kể, giả dụ như trong một hội nghị văn học gì đấy, người ta lên bục giới thiệu “hôm nay đến dự hội nghị có nhà văn nhân dân X, nhà thơ ưu tú Y” thì nghe “chối” quá.
Nhiều nhà văn không đồng tình với đề xuất trên là vì những lí do vừa nêu. Đó là chưa kể, nếu đề xuất danh hiệu ưu tú hoặc nhân dân được Quốc hội thông qua thì sẽ đẻ ra hàng loạt những ban bệ để xét duyệt như đã từng ở các lĩnh vực khác. Không ai dám chắc là sẽ không có tiêu cực xảy ra trong quá trình xét duyệt như thế.
Có lẽ những nhà văn đam mê với nghề một cách thuần khiết, họ chỉ cần xã hội thừa nhận là “nhà văn” sau khi tác phẩm của họ neo lại trong lòng bạn đọc, bấy nhiêu đó đã là quá đủ cho một đời cầm bút chứ họ không cần gắn thêm bất cứ những mỹ từ nào nữa. Vì vậy, đừng nhọc công với những đề xuất vô ích như vị đại biểu nọ.