Thêm đối tượng xét tặng
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình ra Quốc hội lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội; nhiều nội dung cũng đã được Báo cáo tiếp thu, giải trình làm rõ.
Góp ý cụ thể về nội dung liên quan đến danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng. Theo đó, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” sẽ được xét tặng cho cả cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Nhấn mạnh “Nghệ sĩ ưu tú” và “Nghệ sĩ nhân dân” là những danh hiệu cao quý.
Đại biểu cho rằng, việc thêm một đối tượng, thêm một lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.
Bảo đảm thực hiện đồng bộ
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu rõ, tại các phiên thảo luận về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh lần sửa đổi này phải đảm bảo bao quát hết các đối tượng được khen thưởng.
Tư tưởng đó được thể hiện tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 về Nguyên tắc thi đua, khen thưởng.Đó là chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, khi quy định các hình thức khen thưởng như lập Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì dự thảo Luật chưa bao quát hết các đối tượng là người trực tiếp lao động sản kinh doanh.
Cụ thể tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 42, 43, 44 và Điều 72 mới chỉ quy định tặng cho công nhân, nông nhân, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân mà lại không có đối tượng là những người trực tiếp sản xuất kinh doanh khác. Theo đại biểu, những người sản xuất kinh doanh khác, ví dụ như những tiểu thương, tiểu chủ là những người buôn bán nhỏ…họ không phải là công nhân, họ cũng không phải là nông dân mà họ cũng thuộc là doanh nhân, họ thuộc nhóm là những người lao động khác. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các đối tượng “những người lao động khác” để bao quát hết các đối tượng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng có một điểm rất quan trọng đó là: “Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương.”
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ được việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào trong dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ thể chế.
Cụ thể về các tiêu chí, danh hiệu thi đua
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, việc quy định các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua, bộ ban ngành tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở có tính tiếp nối, kế thừa khen từ thấp đến cao có quy định về tỷ lệ khen thưởng đã tạo cho thi đua mang tính hình thức, phong trào. Tập thể xây dựng lộ trình khen thưởng cá nhân, có sự nhường nhau để theo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định một cách cụ thể về các tiêu chí, danh hiệu thi đua, khắc phục hạn chế mang tính chất gối đầu này.
Về danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường thị trấn tiêu biểu, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí khung và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương dựa trên các tiêu chí khung để đảm bảo tính thống nhất.
Về Điều 66 dự thảo Luật quy định về danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, đại biểu đồng tình với phương án xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Tuy nhiên, đối với nhà văn, kiến trúc sư, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm cho phù hợp và tạo sự đồng thuận cao.
Về quy định người có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trực tiếp trao tặng hoặc uỷ quyền trao tặng; người đứng đầu cơ quan làm công tác thi đua khen thưởng có trách nhiệm phát hiện cá nhân tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu để đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tại Khoản 1 Điều 82 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát xem xét quy định cụ thể người ủy quyền trao tặng và người đứng đầu cơ quan làm công tác thi đua khen thưởng được quy định.