Phần Lan liên tục giành thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng PISA của OECD. Sự thành công của ngành Giáo dục Phần Lan phải kể đến những triết lý giáo dục giàu giá trị.
Giáo dục trong văn hóa
Ông Pasi Sahlberg, chuyên gia hàng đầu về giáo dục Phần Lan, tiết lộ văn hóa coi trọng giáo dục chính là yếu tố giúp môi trường học tập tại quốc gia này trở nên khác biệt.
Không giống như nhiều quốc gia đặt điểm số hoặc kết quả học tập lên hàng đầu, giáo dục Phần Lan hướng đến sự cân bằng. Thành tích học tập của mỗi học sinh được đánh giá thông qua kết quả trong lớp học và cuộc sống bên ngoài trường học như hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ…
“Quan điểm của Phần Lan về giá trị của con người, về khái niệm con người, đặc biệt là trẻ em, rất khác so với phần còn lại của châu Âu. Quốc gia này có cái nhìn nhân văn hơn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống hay về quyền con người” – chuyên gia Pasi Sahlberg nhấn mạnh.
Tại các quốc gia Bắc Âu, bao gồm Phần Lan, giáo viên giao rất ít bài tập về nhà cho học sinh. Thời lượng các tiết học cũng ngắn hơn nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, trẻ em tại Phần Lan không phải làm các bài kiểm tra, bài thi đánh giá năng lực khi học phổ thông.
Chủ tịch Liên minh các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học Phần Lan, ông Santeri Palviainen cho biết: Giáo dục quốc gia nhấn mạnh vào xây dựng môi trường học hỗ trợ và thúc đẩy trẻ em từ khi còn nhỏ. Các bài học, hoạt động trên trường đều được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời để giúp học sinh đạt được những kỹ năng hữu ích cho bản thân và cuộc sống tự lập.
Lấy người học làm trung tâm là cách các trường phổ thông tại Phần Lan vận hành. Tuy nhiên, ông Palviainen thừa nhận vẫn còn một số khó khăn, thách thức đặt ra cho giáo dục Phần Lan. Nhưng những trở ngại này có thể giải quyết bởi giáo dục đã trở thành một phần văn hóa quốc gia.
Nguyên tắc giáo dục bình đẳng
Ít ai biết rằng vào những năm 1960, chỉ 10% học sinh Phần Lan tốt nghiệp trung học. Sự chuyển biến đến từ peruskoulu, hệ thống giáo dục phổ cập và bắt buộc, được Phần Lan áp dụng từ những năm 1970. Đến những năm 1980, quốc gia này đã đẩy mạnh peruskoulu nhờ hàng loạt cải cách mới, trong đó tập trung vào nguyên tắc công bình.
“Hệ thống giáo dục công bằng tại Phần Lan không chỉ là kết quả của quá trình giảng dạy. Để mọi đứa trẻ đến từ mọi hoàn cảnh được tham gia học tập cần sự vào cuộc của giới chức, hệ thống phúc lợi quốc gia” - ông Sahlberg cho biết.
Theo Jouni Kangasniemi - Giám đốc Chương trình Giáo dục Phần Lan, từ khi học sinh Phần Lan giành được thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế, chuyên gia giáo dục từ nhiều quốc gia đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng tôi có thể làm theo các bạn?”. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục mỗi quốc gia là khác nhau nên việc mô phỏng theo giáo dục của một quốc gia không phải lựa chọn hợp lý.
Điểm nổi bật trong hệ thống giáo dục công bằng tại Phần Lan là chương trình bữa ăn học đường miễn phí, được đánh giá là phúc lợi lớn nhất với học sinh. Là biểu tượng của sự bình đẳng, bữa ăn học đường dành cho mọi đối tượng học sinh, từ nghèo nhất đến giàu có nhất. Chất lượng bữa ăn được đảm bảo, chiều lòng ngay cả những bậc phụ huynh khó tính, dù không thu tiền từ cha mẹ.
Đại dịch Covid-19 và học tập từ xa đang dần tạo ra khoảng cách trong giáo dục Phần Lan. Trong đó, trẻ em từ các gia đình điều kiện có quyền tiếp cận Internet, thiết bị công nghệ để học tập nhanh hơn bạn bè có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ Giáo dục Phần Lan đã phân bổ 68 triệu euro để giải quyết tình trạng chênh lệch. Song các nhà giáo dục vẫn lo ngại tác động của Covid-19 lên trường học và trẻ em. Giáo viên được khuyến khích linh hoạt thay đổi phương thức giảng dạy, đánh giá phù hợp với hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo nội dung chương trình học.
Giáo viên được đề cao
Tại Phần Lan, nghề giáo là một nghề hết sức được coi trọng và tỷ lệ cạnh tranh việc làm rất cao. Ngôi trường đào tạo giáo viên nổi tiếng bậc nhất Phần Lan, mang tên Trường Sư phạm Viikki, được ví như phòng thí nghiệm dành cho giáo viên tương lai. Sinh viên ngành Sư phạm liên tục được thử nghiệm giảng dạy tại các trường phổ thông liên kết, giống như sinh viên ngành Y khoa được đi lâm sàng.
Hiệu trưởng Kimmo Koskinen cho biết: “Nghiêm khắc trong đào tạo giáo viên tương lai là cách chúng tôi thể hiện sự tôn trọng đối với ngành Sư phạm. Việc này quan trọng như đào tạo bác sĩ”.
Nhờ được đào tạo khắt khe, giáo viên phải tự tìm kiếm phương pháp giảng dạy phù hợp với cá nhân nhưng vẫn bảo đảm học sinh tiếp thu hiệu quả. Sau khi ra trường, tiến vào môi trường làm việc, họ được tự do phát huy kỹ năng, kinh nghiệm và được xã hội tôn trọng. Giáo viên cũng không phải đối mặt với áp lực của các bài kiểm tra đánh giá năng lực.
Ngoài ra, giáo viên Phần Lan chỉ làm việc khoảng 32 tiếng một tuần, trong khi giáo viên Mỹ làm việc gần 50 tiếng một tuần. Họ không phải đối mặt với áp lực tăng ca, thực hiện những công việc hành chính không liên quan đến giảng dạy. Nhờ những yếu tố này, hầu hết giáo viên Phần Lan đều bày tỏ hài lòng với công việc của mình.