Nhưng ngay cả khi trẻ em đã trưởng thành vẫn được tạo những điều kiện để hướng các em phát triển trên con đường dẫn tới thành công.
Xin trân trọng giới thiệu một số yếu tố nổi bật nhất xác định vị trí hàng đầu của Phần Lan trong hệ thống giáo dục toàn cầu.
1. Hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh
Ở Phần Lan, từ lâu người ta hiểu rằng sự hợp tác của các trường phổ thông mang lại cho học sinh nhiều lợi ích hơn là cạnh tranh giữa chúng với nhau.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều đó là ở Phần Lan không có trường tư. Tất cả các cơ sở giáo dục trong nước đều do nhà nước tài trợ. Giáo viên được học xây dựng các bài trắc nghiệm của chính mình thay cho các bài trắc nghiệm chuẩn hóa.
“Trong ngôn ngữ Phần Lan không có từ xác định khái niệm “báo cáo” - ông Pasi Sahlberg, chuyên gia giáo dục Phần Lan nói trong một bài giảng tại Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Columbia. Giáo viên làm tốt công việc của mình mà không cần “động cơ” như một sự cạnh tranh.
2. Một trong những nghề được tôn trọng nhất
Ở Phần Lan, giáo viên không thuộc loại cán bộ được trả lương thấp. Mức lương thực tế của giáo viên khá cao, vì chính phủ của nước này đầu tư mạnh cho tuổi thơ, coi nó là nền tảng cho sự phát triển liên tục suốt đời.
Để trở thành giáo viên ở Phần Lan, ban đầu các ứng cử viên phải có ít ra là trình độ thạc sĩ, sau đó phải tốt nghiệp một chương trình tương đương như chương trình của các trường đại học y khoa ở Mỹ.
Sinh viên thường giảng dạy trong các phân hiệu của các trường phổ thông thuộc các trường đại học.
Kết quả là giáo viên tiếp thu được kinh nghiệm sư phạm tốt nhất trong dạy học.
3. Thái độ thực tế đối với các công trình nghiên cứu
Ở Phần Lan, chính phủ quyết định về các đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, căn cứ vào tính hiệu quả của chúng. Nếu như những cuộc cải cách cụ thể mang lại tiến bộ rõ rệt, Bộ Giáo dục và Văn hóa Liên bang “bật đèn xanh” cho chúng.
Nói tóm lại, trong khi các nước khác đang mải mê tranh luận thì Phần Lan đã bắt tay vào công việc rồi.
4. Không sợ thực nghiệm
Lợi ích thực tế của các kết quả nghiên cứu giáo dục thể hiện rất rõ khi việc áp dụng chúng không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như tiền hay áp lực chính trị.
Giáo viên Phần Lan được khuyến khích xây dựng các phòng thí nghiệm mini để thực nghiệm các phương pháp dạy học khác nhau, giữ lại những gì phát huy tác dụng và xóa bỏ những gì không phù hợp.
5. Tôn trọng giờ chơi của trẻ
Luật pháp của Phần Lan yêu cầu để học sinh các lớp dự bị có 15 phút chơi trong vòng 45 phút của tiết học. Quan điểm đó bắt nguồn từ quan niệm lâu đời của người Phần Lan cho rằng, trẻ em cần phải làm trẻ em càng lâu càng tốt. Công việc của các em không phải là lớn thật nhanh và trở thành “những kẻ học gạo’” và “thợ làm bài thi trắc nghiệm”.
Kết quả các công trình nghiên cứu xác nhận: Việc áp dụng 15 phút “chơi” trong tiết học góp phần nâng cao kỷ luật và thành tích học tập trong các lớp dự bị.
6. Ít bài tập về nhà
Tất cả những kẻ “ngoại đạo” có cảm tưởng rằng ở trường phổ thông Phần Lan không đủ bài tập về nhà. Và quả thật, phần lớn trẻ em được giao rất ít bài tập về nhà.
Quan điểm đó xuất phát từ sự tin cậy lẫn nhau giữa bố mẹ học sinh và các thầy giáo.
Cả bố mẹ học sinh lẫn nhà trường đều cho rằng phần lớn bài tập cần cho trẻ em đã được thực hiện trong giờ học ở trường. Những bài tập bổ sung về các chủ đề này không cần thiết nữa. Thời gian sau giờ học được dành cho giao tiếp trong gia đình, nơi học sinh được “cuộc sống dạy bảo”.
7. Chất lượng cao và mang tính tổng hợp
Tại nhiều nước trên thế giới, các bậc phụ huynh thường hay đòi hỏi đối với hệ thống giáo dục mầm non. Họ không muốn bỏ tiền ra cho người khác “trông nom” con cái họ. Họ muốn nhìn thấy những kết quả giáo dục “nghiêm túc”.
Kết quả là trong những năm ở tuổi mẫu giáo, một số trẻ em ở nhà với cô bảo mẫu, một số em học ở nhà trẻ công, một số em học ở nhà trẻ tư, rốt cuộc, trẻ em vào học tiểu học với trình độ giáo dục khác nhau, kiến thức và kỹ năng khác nhau.
Ở Phần Lan, tình hình không như vậy. Cả giáo dục mầm non lẫn vườn trẻ đều thống nhất đối với trẻ em trước 7 tuổi. Hơn 97% trẻ em từ 3 đến 7 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non.
Hơn nữa, tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, trẻ em đều được giáo dục theo chương trình thống nhất. Trước khi vào học phổ thông các em đều đạt trình độ như nhau, không phân biệt học ở trường nào.
8. Học đại học miễn phí
Chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ được chi trả bằng các khoản tài trợ hỗn hợp của những người đóng thuế và chính phủ liên bang.
Người Phần Lan quan niệm rằng, thường xuyên suy nghĩ về việc chi trả cho giai đoạn học tập tiếp theo sẽ trở thành gánh nặng đối với những người trẻ tuổi, không tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của họ.
Vì vậy, hệ thống Phần Lan được xây dựng trên cơ sở để mọi hình thức giáo dục, kể cả giáo dục đại học, là quyền của con người, và trở thành một trong những điều kiện bình đẳng trong xã hội.
9. Giáo dục bổ túc
Giáo dục bổ túc (nghĩa là giáo dục ngoài chương trình, do con người tự lựa chọn) rất phổ biến ở Phần Lan đối với cả trẻ em và người lớn. Gần như tất cả trẻ em Phần Lan tham gia các tổ, nhóm khác nhau theo sở thích và khoảng 1/3 số người lớn học tại “Trường đại học xã hội”.
Đó là mạng lưới các trường dành cho người lớn, ở đó người ta mở các lớp tin học, ngoại ngữ, hội họa, âm nhạc, sân khấu và các môn xã hội. Người học phải trả một khoản học phí tối thiểu, người nghỉ hưu và thất nghiệp được giảm học phí.
Ngoài ra, ở Phần Lan rất phổ biến việc tự học trong các thư viện và kho sách (với máy tính điện tử và thiết bị âm nhạc): Có thể mua sách, đĩa DVD và CD hiện đại nhất, có thể đặt sách và đĩa từ các thư viện khác.
Điều chủ yếu của giáo dục bổ túc là phát triển năng lực của mọi người (kể cả sức khỏe), sự quan tâm tới cái mới. Ngoài ra còn là năng lực tự thể hiện và mong muốn sống một cuộc sống phong phú, trọn vẹn. Và tất nhiên, đó còn là một hình thức giải trí có văn hóa và giao tiếp theo sở thích.