Đằng sau quyết định nghỉ học một năm của nữ sinh Việt tại ĐH Princeton danh tiếng

GD&TĐ - Du học không phải chỉ là bức tranh luôn tươi sáng mà vẫn có những góc tối và đoạn nghỉ cần thiết. Nhận được học bổng toàn phần của Princeton - trường đại học danh giá và tốt nhất nước Mĩ, song Trần Thùy Linh (sinh viên ngành Công nghệ Sinh học) có một chuyến du học "không chỉ toàn hoa hồng".

Trần Thùy Linh – sinh viên ngành Công nghệ Sinh học tại Đại học Princeton.
Trần Thùy Linh – sinh viên ngành Công nghệ Sinh học tại Đại học Princeton.

Quyết định nghỉ học đưa ra trong vòng 48 giờ

“Em đã ở Đại học Princeton hai năm rưỡi. Em quyết định bảo lưu kết quả học tập và nghỉ học tám tháng chỉ sau hai ngày trước khi kết thúc học kì I của năm thứ ba. Năm sau em sẽ quay lại học và bắt đầu học lại năm thứ ba từ đầu”, Thùy Linh chia sẻ.

Nữ sinh 9X này sở hữu bảng thành tích ấn tượng: Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh năm 2014; Giải Nhất Học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh năm 2015; Giải Nhất cuộc thi National Market Entry Plan Competition và là một trong sáu đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi “Thách thức Thương mại Quốc tế” (Junior Achievement FedEx Express International Trade Challenge). Không chỉ vậy, Linh đã đạt được chứng chỉ quốc tế với số điểm 116 TOEFL , 2380 SAT.

Theo Linh, những ngày đầu sang Mĩ và học tập ở trường Princeton rất kì diệu. Trường đẹp, nhiều Giáo sư đạt giải Nobel, chương trình học quốc tế và các bạn xung quanh giỏi.

Nhưng với Linh, sự thích thú và cảm giác tuyệt vời biến mất khá nhanh, chỉ sau hai tuần. Học tập trong một môi trường mà xung quanh đều là những sinh viên xuất sắc, Thùy Linh đã từng tự ti vào chính bản thân mình. Các cuộc nói chuyện làm quen ban đầu giữa những người bạn dần nhàm chán và chỉ xoay quanh việc học, công việc.

Đã rất nhiều du học sinh học tập tốt, được cả học bổng, làm ở vị trí cao, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, hầu hết các bạn đều gặp các vấn đề tâm lí như trầm cảm. Và Linh cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Thùy Linh nhớ lại “Em có dấu hiệu trầm cảm vào học kì I năm thứ nhất. Em nghĩ chuyện này không xảy ra với mình đâu. Điểm số ổn, cuộc sống không có vấn đề gì, bố mẹ ủng hộ, bạn bè vui vẻ. Mọi thứ rất bình thường nhưng vì một lí do nào đó có những ngày em không muốn rời khỏi phòng, không muốn nói chuyện với ai, không muốn ăn uống gì. Không phải thường xuyên nhưng có giai đoạn em như thế. Những giai đoạn ấy đeo đẳng em suốt hai năm”.

Thùy Linh (hàng đầu ngoài cùng bên trái) và các bạn tại Mĩ.
Thùy Linh (hàng đầu ngoài cùng bên trái) và các bạn tại Mỹ.

Vào thời điểm thi học kì I của năm thứ ba, ngày 13/1, một người bạn Linh quen hồi năm thứ nhất tự tử. Biến cố đó đã khiến em suy sụp và cảm xúc dường như xuống tận đáy.

“Ở đại học Princeton, sinh viên phải quyết định nghỉ học trước khi nộp các bài luận kết thúc học kì vào ngày 16/1. Khi đó, các bài luận của em đã hoàn thiện hết. Chỉ còn nộp nữa thôi.

Em cũng đã trải qua quá trình phỏng vấn, xin việc và được nhận thực tập tại một ngân hàng ở New York vào mùa hè”, Linh nói.

Nhưng cựu học sinh chuyên Anh trường Ams này nhận ra những khóa học em học ở kì vừa rồi chỉ là để phục vụ cho công việc, không phải con đường em muốn hướng tới.

Kì thực tập rất danh giá và sẽ giúp Linh có một công việc tốt khi tốt nghiệp nhưng nó đồng nghĩa với việc em sẽ phải ở trong một văn phòng mười ba hoặc mười bốn tiếng một ngày thậm chí cả cuối tuần.

Nhiều chuyện tích tụ lại làm Linh không biết làm gì khác ngoài nghỉ học để có thời gian cân bằng bản thân, hiểu về mình và tìm lại những cảm xúc tích cực.

Vẽ truyện tranh về trầm cảm

Sau khi về nước, em đã đi gặp bác sĩ để chữa bệnh trầm cảm. Em cảm thấy thay vì ở nhà mà đi làm ở một công ty nào đó có thể giúp cho mình nhanh khỏi bệnh nên Linh đã làm ở một công ty khởi nghiệp.

“Mọi thứ dường như đang rất tốt đẹp nhưng em lại quyết định nghỉ học. Nhiều người nói quyết định ấy của em thật điên rồ. Khi làm tại công ty khởi nghiệp, được nói chuyện với nhiều anh chị và cả sếp của mình, em được mở rộng tầm mắt và thấy rằng quyết định của em là một quyết định đúng đắn, dù cho nó có gây ra vấn đề gì nhưng miễn em cảm thấy thoải mái là ổn”, Linh tâm sự.

Không phải câu chuyện nào cũng dễ dàng được nói ra và thấu hiểu. Khi nghe Linh nói rằng bảo lưu, nghỉ học và ở Việt Nam tám tháng, bố mẹ Linh rất lo lắng. Linh cũng phải mất nhiều thời gian để bố mẹ hiểu quyết định của mình.

Linh đã từng không muốn nói vấn đề của bản thân cho bất kì ai. Nhưng khi Linh chia sẻ thì trái với suy nghĩ rằng mọi người sẽ không quan tâm, Linh lại nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và đồng cảm từ gia đình, thầy cô và bạn bè.

Là người trong cuộc, Linh biết có khá nhiều người mắc bệnh trầm cảm, chỉ là họ chọn cách giấu kín tự vượt qua hay là chia sẻ với người khác. Chính vì lí do đó, Thùy Linh đã vẽ một series truyện tranh để kể câu chuyện của mình và của những người mắc bệnh trầm cảm cho mọi người.

Thùy Linh làm truyện tranh webtoon kể về câu chuyện trầm cảm của chính bản thân mình.
Thùy Linh làm truyện tranh "webtoon" kể về câu chuyện trầm cảm của chính bản thân mình.

Bộ truyện tranh mang tên"Nỗi buồn ngớ ngẩn" là một loạt truyện về các cuộc đấu tranh với bệnh tâm thần và những câu chuyện cười tự ti.

Bộ truyện với những hình vẽ ngộ nghĩnh nhưng ẩn chứa trong đó ý nghĩa và thông điệp sâu xa. Ngay từ chương một được ra mắt vào 6/6/2018 đã nhận được sự đón nhận và theo dõi của nhiều người.

Thời gian Linh nghỉ học cũng cho Linh được sống với đam mê nhiếp ảnh. Được ngắm nhìn, chụp lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống và của con người khiến Thùy Linh vui vẻ hơn.

Thùy Linh khẳng định: “Chuyện học ở những trường hàng đầu như đại học Princeton không liên quan nhiều lắm đến việc trầm cảm. Thực ra học ở trường nào cũng thế, có nhiều áp lực khác nhau dẫn đến bạn bị căng thẳng. Nếu được chọn lại, em vẫn sẽ chọn du học, vẫn sẽ chọn Princeton.

Trải nghiệm cuộc sống du học sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn rất nhiều, kể cả khi bạn buồn, bạn thất vọng, căng thẳng, trầm cảm thì đó đều là những thứ quý giá.

Không phải sợ khi bạn có những quyết định điên rồ vì điều quan trọng nhất là quyết định ấy khiến bạn hạnh phúc, thoải mái và thấy đó là điều tốt nhất cho mình”.

Qua câu chuyện của bản thân, Linh muốn nhắn nhủ với những bạn đã và đang du học: “Hãy tôn trọng và lắng nghe cảm xúc của mình, của người khác nhiều hơn.

Bệnh trầm cảm không trừ một ai. Em đã phớt lờ dấu hiệu của bệnh trầm cảm trong suốt hai năm và có những lúc, bệnh trầm cảm của em đã đến mức trầm trọng nhưng em vẫn không nói với phụ huynh, bạn bè và chính bản thân cũng từ chối rằng em đang bị trầm cảm.

Việc mình buồn ngày hôm nay thì hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu buồn cả một tuần dài, không muốn gặp ai, ăn không ngon thì thực sự là bạn nên mở lòng mình và tìm sự giúp đỡ từ người khác".

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ