Trận đầu tiên Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 (phát sóng chiều 26/9) có sự tham gia của bốn nhà leo núi: Nguyễn Khánh Tùng (THPT Thái Phiên, Hải Phòng), Chu Văn Sơn (THPT Quảng Oai, Hà Nội), Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) và Hà Vũ Anh (THPT chuyên Bắc Kạn, Bắc Kạn).
Trong cuộc thi đầu tiên này, Olympia đã công bố luật chơi mới và giao diện mới ở các phần thi Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích. Ngoài ra, chương trình cũng giới thiệu gương mặt dẫn chương trình mới là Trần Khánh Vy, sinh năm 1999, cựu sinh viên Học viện Ngoại giao.
Phần thi Khởi động thay đổi so với những năm trước khi có ba lượt thi thời gian tương ứng 30 giây, 60 giây và 90 giây. Thí sinh bấm chuông nhanh nhất và trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai bị mất lượt trả lời câu hỏi kế tiếp. Trong phần thi này, Khánh Tùng vươn lên dẫn đầu với 80 điểm. Tiếp đến Nguyên Vũ 70 điểm, Vũ Anh 10 điểm, Văn Sơn 0 điểm.
Phần thi Khởi động có nhiều thay đổi của Đường lên đỉnh Olympia.
Phần thi Vượt chướng ngại vật có từ khóa gồm ba chữ số. Hàng ngang đầu tiên được lựa chọn có câu hỏi: Từ nào còn thiếu trong câu nói xưa của ông cha ta: "Cứ người như..."? Chỉ có Khánh Tùng đưa ra đáp án "Xây nhà" nhưng không chính xác.
Sau những câu hỏi hàng ngang các thí sinh đã có tín hiệu chuông trả lời từ khóa nhưng đều không chính xác. Đầu tiên Khánh Tùng đưa ra đáp án "111". Kế đến Nguyên Vũ là "144", Vũ Anh là "Gọi". Văn Sơn là người cuối cùng đưa ra đáp án từ khóa sau khi đã trải qua câu hỏi ô trung tâm, lựa chọn đáp án "115".
Hàng ngang thứ hai được lựa chọn có câu hỏi: Số nào còn thiếu trong đoạn bài hát sau, cả bốn thí sinh đều có chung đáp án chính xác "60".
Hàng ngang thứ ba được lựa chọn có câu hỏi: Alexander Graham Bell còn được coi là "cha đẻ" của thiết bị liên lạc nào? Ba thí sinh Văn Sơn, Nguyên Vũ, Vũ Anh ghi điểm với đáp án chính xác "Điện thoại".
Hàng ngang thứ tư được lựa chọn có câu hỏi: Theo quy định hiện hành, loại tin bão nào được ban hành khi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta...? Vũ Anh đưa ra đáp án duy nhất "Sấm chớp" nhưng không chính xác. Văn Sơn là thí sinh duy nhất tiếp tục phần thi thứ hai này, để đến với câu hỏi ô trung tâm Hệ số chẵn nhỏ nhất là số nào?; rồi trải qua 15 giây suy nghĩ để đưa ra đáp án.
Sau phần thi Vượt chướng ngại vật, Khánh Tùng và Nguyên Vũ cùng dẫn đầu 90 điểm. Tiếp đến Vũ An 30 điểm, Văn Sơn 20 điểm.
Ở phần thi Tăng tốc, các câu hỏi chia thành bốn cấp độ khó khác nhau, theo hướng tăng dần. Thời gian trả lời các câu hỏi tương ứng 10 giây, 20 giây, 30 giây, 40 giây. Thí sinh trả lời đúng và nhanh nhất được 40 điểm. Thí sinh trả lời đúng nhanh tiếp theo lần lượt có điểm 30, 20, 10.
Trong phần thi Tăng tốc, Nguyên Vũ đã thể hiện phong độ xuất sắc để vươn lên dẫn đầu với 230 điểm. Tiếp đến là Khánh Tùng 160 điểm, Vũ Anh 70 điểm, Văn Sơn 40 điểm.
Với phần thi Về đích của Olympia năm thứ 22 loại bỏ câu hỏi có giá trị 10 điểm. Các nhà leo núi chỉ lựa chọn giữa câu hỏi có giá trị 20 điểm hoặc 40 điểm. Mỗi thí sinh có hai câu hỏi. Thời gian trả lời cho mỗi câu hỏi 20 điểm là 15 giây; thời gian trả lời mỗi câu hỏi 40 điểm là 30 giây.
Nguyên Vũ có 230 điểm là thí sinh đầu tiên về đích đã lựa chọn một câu 20 và một câu 40 điểm. Ngay câu đầu tiên thực hành đã xuất sắc ghi được 20 điểm, nhưng không có điểm câu thứ hai. Cậu về chỗ với 250 điểm.
Khánh Tùng lựa chọn hai câu có giá trị 40 điểm nhưng chỉ ghi được điểm ở câu hỏi thứ hai, để nâng tổng điểm lên 200. Vũ Anh lựa chọn hai câu hỏi có giá trị 20 điểm, nhưng trả lời sai cả 2 câu và chỉ còn 30 điểm. Khánh Tùng đã hai lần giành được quyền trả lời và ghi điểm. Văn Sơn trả lời đúng cả 2 câu gói điểm 20 để nâng điểm số lên 80.
Kết quả chung cuộc, Đặng Lê Nguyên Vũ với 250 điểm đã giành vòng nguyệt quế đầu tiên của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22. Nguyễn Khánh Tùng về nhì với 240 điểm. Cùng về vị trí thứ ba, Chu Văn Sơn 80 điểm và Hà Vũ Anh 30 điểm.