Đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực người học

GD&TĐ - TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục - cho rằng, việc lùi thời gian thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể một năm, đặc biệt là phương án áp dụng thực hiện theo lộ trình mới, là cần thiết trong quá trình đổi mới giáo dục.

Đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực người học

5 vấn đề cơ bản của đổi mới giáo dục

Việc lùi thời gian thực hiện Chương trình GDPT tổng thể để chúng ta thực hiện tốt năm vấn đề cơ bản:

Thứ nhất, để thực hiện chương trình mới, chúng ta cần chuẩn bị Chương trình môn học chu đáo. Nếu triển khai áp dụng chương trình GDPT tổng thể ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng. Theo phương án mới sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình môn học cần thiết kế theo cách tiếp cận phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực người học. Vì thế, cần có thời gian lấy ý kiến từ các chuyên gia và các giáo viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trước khi ban hành.

Thứ hai, sau khi có chương trình môn học, cần có sách giáo khoa có chất lượng, đảm bảo về nội dung cũng như sự phong phú để các trường hoặc các vùng miền có nhiều cơ hội lựa chọn. Triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo phương án mới sẽ góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GDPT.

Thứ ba, đội ngũ giáo viên hiện nay đang quen với chương trình giáo dục cũ, cách dạy cũ. Khi tiếp cận chương trình mới cần được tập huấn kỹ về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức, đặc biệt cách dạy học nhằm phát triển năng lực cho người học. Những hình thức dạy học tổ chức ở ngoài lớp học theo hướng tích hợp và trải nghiệm cần được luyện tập, áp dụng thử rồi hãy áp dụng đại trà.

Thứ tư, để phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các yếu tố như cơ sở vật chất, thiết bị, điều kiện, môi trường dạy học cũng cần chuẩn bị đầy đủ. Các cơ sở phục vụ cho hoạt động trải nghiệm cũng cần tính toán và đầu tư để việc thực hiện chương trình thuận lợi và hiệu quả.

Thứ năm, hệ thống văn bản quy định về việc thực hiện Chương trình GDPT tổng thể của các cấp quản lý cần được nghiên cứu và ban hành trước khi thực hiện. Những chế độ chính sách đối với nhà giáo, đối với các cơ sở hợp tác giáo dục, với các cộng tác viên cần quy định cụ thể.

Để thực hiện tốt năm vấn đề cơ bản nói trên cần phải có thời gian phù hợp. Do vậy việc lùi thời gian lại so với kế hoạch 1 năm là cần thiết.

Phương án áp dụng theo lộ trình mới là phù hợp

Chương trình GDPT tổng thể là một bước đột phá, có nhiều vấn đề rất mới như môn học mới, hình thức tổ chức giáo dục mới, cách lựa chọn môn học theo các tổ hợp khác trước… Không những vậy, mục tiêu đặt ra là phát triển năng lực người học khiến việc thực hiện đòi hỏi mỗi giáo viên, mỗi trường học cần có sự sáng tạo.

Đây là chương trình đầu tiên diễn đạt mục tiêu dưới dạng những phẩm chất và năng lực cụ thể; cũng là chương trình đầu tiên quan tâm đến phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, thi cử một cách chi tiết, cụ thể theo tiếp cận mục tiêu.

Về cấu trúc, Chương trình đã chia 2 giai đoạn rõ rệt: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Trong mỗi giai đoạn có các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Điều này tạo nên sự đa dạng trong môi trường giáo dục, sẽ giúp hình thành năng lực tự đánh giá, năng lực ra quyết định và là cơ sở để giáo dục học sinh biết tôn trọng sự khác biệt.

Nhiều môn học mới được đề cập trong Chương trình như GD lối sống, Cuộc sống quanh ta, Thế giới công nghệ, Công nghệ và hướng nghiệp, Tiếng dân tộc thiểu số….. Những môn học này sẽ giúp học sinh có kiến thức và kỹ năng cần thiết phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Đặc biệt trong điều kiện xã hội đang diễn ra cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Với những lý do đó, khi áp dụng cần thận trọng vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Năm đầu tiên chỉ áp dụng cho khối lớp 1. Đến năm thứ 2 có thêm khối lớp 2 và khối lớp 6. Khi đó, những bất cập bộc lộ và phát sinh ở phạm vi hẹp sẽ giúp các trường giải quyết dễ dàng hơn. Không chỉ vậy, các trường lại có thêm thời gian để chuẩn bị điều kiện cũng như nâng cao năng lực cho giáo viên các khối còn lại. Còn ở phía ban chỉ đạo thực hiện chương trình cũng sẽ không bị quá áp lực khi ngay lập tức năm đầu tiên phải thực hiện áp dụng ở cả 3 khối lớp như theo lộ trình cũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ