Mô hình trường học mới VNEN: Kinh nghiệm từ các địa phương

GD&TĐ - Một trong những điều kiện cơ bản để thực hiện được Chương trình giáo dục phổ thông mới đó là các trường phổ thông phải đổi mới căn bản và toàn diện về tổ chức hoạt động và cơ sở vật chất. 

Lớp học theo Mô hình VNEN tại huyện Bắc Hà (Lào Cai)
Lớp học theo Mô hình VNEN tại huyện Bắc Hà (Lào Cai)

Với tiêu chí này, việc áp dụng Mô hình Trường học mới VNEN tại các nhà trường sẽ đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Nhưng vấn đề căn bản là cách áp dụng Mô hình Trường học mới phải linh hoạt sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã đặt ra yêu cầu: GD-ĐT phải chuyển mạnh từ quá trình chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Vì vậy ngành GD-ĐT càng phải mạnh dạn đổi mới trong quá trình dạy và học. Trên thực tế việc áp dụng Mô hình Trường học mới tại các nhà trường cũng đã thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc áp dụng Mô hình Trường học mới một cách hiệu quả và đã thấy rằng đây là một trong những mô hình giáo dục ưu việt: Mô hình Trường học mới VNEN vượt trội so với mô hình dạy học hiện tại.

VNEN tập trung hướng học sinh tự học (theo hình thức cá nhân, nhóm). Sự tự học của học sinh đi từ tri thức, kỹ năng đã biết, kinh nghiệm của bản thân đến tri thức mới rồi thực hành, vận dụng ứng dụng vào thực tiễn. Rõ ràng việc tự học trở thành yếu tố nổi bật nhất của mô hình này.

Với phương pháp dạy của VNEN dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên học sinh tự phát hiện, tự tìm kiến thức và nếu thấy khó khăn thì liên lạc với giáo viên để nhận sự hỗ trợ. Từ đó hướng tới việc hình thành kỹ năng, thái độ phù hợp hình thành kỹ năng sống thiết yếu như: Giải quyết vấn đề sáng tạo, giao tiếp, hợp tác… Đây cũng là xu thế tất yếu cần hướng tới trong Chương trình phổ thông mới 2018 (hướng tới hình thành các phẩm chất và năng lực cho học sinh).

Là một tỉnh miền núi có nhiều khó khăn nhưng Lào Cai đã áp dụng rất thành công Mô hình Trường học mới VNEN. Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho rằng: Mô hình Trường học mới đã đáp ứng sự đổi mới trong vấn đề đánh giá học sinh: Cụ thể việc đánh giá học sinh ở mô hình này hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua các mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục cấp học; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập.

Đặc biệt quá trình đánh giá học sinh chú trọng tới sự tiến bộ của mỗi em, không so sánh học sinh này với học sinh khác; coi trọng động viên, khuyến khích sự hứng thú, tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh (khác với đánh giá truyền thống là coi trọng cho điểm và phân loại học sinh).

Mấu chốt là tập huấn bồi dưỡng

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến chia sẻ: Ngành GD&ĐT Thủ đô đã tích cực chỉ đạo sát sao cũng như cùng các nhà trường tháo gỡ những khó khăn: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc triển khai thí điểm Mô hình trường học mới VNEN.

Năm học 2012 - 2013, Sở GD&ĐT đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội để triển khai thí điểm Mô hình Trường học mới VNEN tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Sở GD&ĐT đã thành lập ban chỉ đạo từ cấp Sở đến cấp quận, huyện để xây dựng kế hoạch triển khai chỉ đạo các trường tham gia VNEN.

Triển khai tập huấn các nội dung đã được tập huấn của Bộ GD&ĐT với các đơn vị thực hiện thí điểm. Năm học 2015 - 2016; 2016 - 2017, Sở đã tập huấn 100% giáo viên và cán bộ quản lý tham gia Mô hình Trường học mới, thường xuyên kiểm tra, dự giờ thăm lớp, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của các địa phương mới bắt tay vào thực hiện.

Lào Cai cũng là một trong 6 tỉnh đầu tiên được Bộ GD&ĐT chọn triển khai Mô hình Trường học mới. Năm học 2011 - 2012 tỉnh đã triển khai thực nghiệm ở 4 trường (Tiểu học Bản Qua, Tiểu học Thị trấn - huyện Bát Xát; Tiểu học Tả Van, Tiểu học Tả Phìn - huyện Sa Pa). Năm học 2012 - 2013 đã triển khai mở rộng ở 81 trường tiểu học của 9 huyện/TP.

Cho đến năm học 2016 - 2017 thì ngành GD&ĐT đã triển khai ở 165 trường tiểu học của 9 huyện/TP. Ở cấp THCS, năm học 2014 - 2015 tỉnh triển khai thực nghiệm ở 4 trường THCS (Ngô Văn Sở, Pom Hán - TP Lào Cai; Quang Kim, Thị trấn Bát Xát - huyện Bát Xát).

Năm học 2015 - 2016: Triển khai dạy lớp 6 ở 95 trường THCS của 9 huyện/TP (đây là các trường học sinh lớp 6 đã được học theo Mô hình Trường học mới ở cấp tiểu học).

Để triển khai mô hình này một cách có hiệu quả, theo ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lao Cai, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương.

Đặc biệt vấn đề tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải được thực hiện một cách triệt để. Vì vậy hàng năm, Sở GD&ĐT cử giáo viên cốt cán cấp tỉnh tham dự các đợt tập huấn triển khai Mô hình Trường học mới do Bộ GD&ĐT tổ chức; Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho CBQL, giáo viên các trường triển khai Mô hình Trường học mới (thực hiện trước khi năm học mới bắt đầu).

Nội dung tập huấn tập trung thống nhất việc vận dụng phương pháp tổ chức dạy học theo Mô hình Trường học mới phù hợp với thực tế (học sinh, cơ sở vật chất...).

Song song với đó, ngành GD&ĐT Lào Cai đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học, THCS tích cực bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học theo Mô hình Trường học mới cho CBQL, giáo viên thông qua các hoạt động chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cấp trường, cụm trường, cấp huyện, cấp tỉnh.

Sở GD&ĐT Hà Nội rất coi trọng việc bồi dưỡng giáo viên theo hướng tự học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu tài liệu, tiếp cận với phương pháp dạy học mới. Ngành đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học đã xây dựng kế hoạch cụ thể đặc biệt tập trung chỉ đạo đổi mới hoạt động với phương châm “chuyển đổi từ dạy học theo lối truyền thụ kiến thức của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.