Buổi lễ ra mắt có sự góp mặt của nhiều cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu ở Bộ GD&ĐT, ở các trường ĐH, nhiều nhà báo trực tiếp góp công trong những năm tháng đó.
Theo GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam – cho biết: Trong nguồn tài liệu từ cuốn sách này, chúng ta có thể thấy sự khởi đầu của nền giáo dục mới mở; việc tăng cường quyền tự chủ và lúc đó gọi là phân cấp quản lý;
Việc tăng cường khoa học cơ bản trong chương trình bằng cách chia 2 giai đoạn; việc mở đầu đào tạo bằng hệ thống tín chỉ; việc xây dựng học bổng bậc thang để khuyến khích học tập; chủ trương bầu cử hiệu trưởng các trường đại học theo cơ chế dân chủ trực tiếp…
Từ tập tài liệu này, có thể thấy rằng, xét cho cùng, các chủ trương và giải pháp thời kì đó là để tháo gỡ sự ràng buộc trong quản lý, tăng quyền tự chủ cho các trường nhằm tạo động lực và nguồn lực phát triển cho hệ thống.
Nội dung của sách, Hiệp hội chủ trương trình bày tư liệu một cách khách quan không dẫn dắt, không bình luận, không phân tích, không đánh giá; dành việc đó cho người đọc, cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về lịch sử giáo dục đào tạo Việt Nam.
“Nhiều nhà nghiên cứu muốn tìm tư liệu về thời kỳ này nhưng gặp khó khăn vì rất ít các sách vở được công bố chính thức. Quyển sách này là tập hợp các tư liệu quan trọng của thời kỳ đó, phản ánh một cách cơ bản các chủ trương, chính sách của thời kỳ đầu đổi mới giáo dục, trong đó trước hết là giáo dục đại học” - GS Trần Hồng Quân cho hay.
Thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học (1987 – 1997) là giai đoạn khởi đầu cơ bản và phức tạp nhất, vì đó là giai đoạn phải thay đổi nhiều khái niệm, triết lý và thể chế, chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới. Cho nên, để có thể hiểu sâu sắc các đổi mới trong giáo dục đại học cần bắt đầu tìm hiểu giai đoạn đó.
Tuy nhiên, một trở ngại lớn trong việc tìm hiểu là không có tư liệu, bởi các sự kiện liên quan đã trôi qua gần 3 thập niên.