Đãi cát tìm vàng

GD&TĐ - Thời điểm này, các địa phương đang tiến hành công đoạn chấm thi tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trong khi những bài thi trắc nghiệm được chấm hoàn toàn trên máy, thì Ngữ văn là môn duy nhất được đo đếm bởi cán bộ chấm thi trên cơ sở đáp án và thang điểm do Bộ GD&ĐT quy định. Quy trình chấm chặt chẽ, từng công đoạn cụ thể được quy định rõ trong quy chế và hướng dẫn tổ chức thi.

Với bài Ngữ văn, cán bộ chấm thi được quán triệt về quy chế, cùng thảo luận đáp án, hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 10 bài để rút kinh nghiệm. Sau đó, mỗi bài thi tự luận được 2 cán bộ chấm độc lập tại các phòng riêng biệt. Điểm từng câu và tổng điểm toàn bài chỉ được ghi vào vị trí quy định trên tờ giấy thi sau khi đã thống nhất. Mỗi tổ chấm làm việc tại một phòng/khu vực riêng, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ...

Để bảo đảm tính khách quan, công bằng, Bộ GD&ĐT còn quy định thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận được chấm xong lần một hoặc hai theo tiến độ chấm. Cùng đó, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh.

Lực lượng cán bộ, viên chức từ 76 cơ sở giáo dục đại học và 63 sở GD&ĐT với số lượng 158 người do Bộ GD&ĐT trưng dụng được tổ chức tập huấn đầy đủ, kiểm tra đạt yêu cầu để tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 sở GD&ĐT và Hội đồng thi trong suốt quá trình chấm thi. Các đoàn sớm xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra, lên đường làm nhiệm vụ ngay sau khi công tác coi thi kết thúc, theo lịch chấm thi của từng địa phương.

Nhiều giám khảo có kinh nghiệm nhận định, chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn ngày càng trơn tru, đồng bộ bởi đáp án, hướng dẫn và phiếu chấm khá chi tiết, bài bản. Ý thức giám khảo cũng ngày được nâng cao do nội quy hội đồng chấm chặt chẽ, công tác thanh kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, với đặc thù riêng, việc chấm thi môn Ngữ văn không chỉ cần làm đúng theo quy trình, quy chế. Văn chương vốn dĩ không chỉ có một cách hiểu duy nhất, hoặc câu trả lời theo đáp án định sẵn. Một vấn đề có thể có những cách hiểu khác nhau tùy theo góc nhìn, sự cảm thụ của cá nhân. Đây cũng là lý do đáp án bài thi Ngữ văn của Bộ GD&ĐT theo hướng gợi mở, dành 0,25 điểm (trong bài nghị luận xã hội), 0,5 điểm (bài nghị luận văn học) cho sự sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận, có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.

Bám sát đáp án, hướng dẫn chấm đã thống nhất nhưng không máy móc, mà linh hoạt, đọc kỹ, đi sâu, phát hiện nâng niu từng ý trong bài làm để ghi nhận góc nhìn riêng của từng thí sinh đòi hỏi người chấm sự công tâm, vững chuyên môn, có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao.

Chấm Văn không thể đếm ý cho điểm; hoặc chỉ cần người chấm lỏng, hay chặt tay cũng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Không phải ngẫu nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giám khảo nên là thầy cô đang dạy lớp 12 để có thể chấm thi đạt hiệu quả cao nhất. Có giáo viên ví von công việc chấm bài thi Ngữ văn như công cuộc “đãi cát tìm vàng”. Người chấm phải có “cái đầu lạnh” và “trái tim ấm” để đãi được “những hạt vàng” trong từng bài làm của thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ