Chấm thi tốt nghiệp THPT nghiêm minh và đúng tiến độ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chấm thi là công đoạn quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Lý Thái Tổ (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Lý Thái Tổ (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Kế hoạch triển khai công tác này được địa phương xây dựng từ sớm và sẵn sàng vào việc sau khi kết thúc coi thi, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng

Ngày 29/6, cùng với cả nước, Thái Bình đã hoàn tất công đoạn coi thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Việc chấm thi được địa phương tiến hành ngay ngày hôm sau. Chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình Trần Thị Bích Vân, sở GD&ĐT đã thành lập Ban Làm phách gồm 15 người, Ban Chấm thi tự luận 162 người, Ban Chấm thi trắc nghiệm 20 người…

Theo đó, Ban Làm phách bài thi tự luận và Ban Chấm thi trắc nghiệm bắt đầu làm việc từ ngày 30/6. Ban Chấm thi tự luận bắt đầu làm việc từ 1/7. Dự kiến ngày 8/7 địa phương hoàn thành công tác chấm thi để công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 18/7.

Tương tự Thái Bình, Phú Thọ cũng bắt đầu chấm thi trắc nghiệm từ ngày 30/6. Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, sở đã chuẩn bị đầy đủ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác chấm thi; quyết định thành lập các ban; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thiết bị cho Ban Làm phách, Ban Chấm thi trắc nghiệm, Ban Chấm thi tự luận. Với chấm tự luận sẽ bắt đầu từ 3/7.

“Phú Thọ đã hoàn thành coi thi tốt nghiệp THPT an toàn, đúng quy chế, không có cán bộ, giáo viên, nhân viên nào vi phạm quy định. Toàn tỉnh có một thí sinh vi phạm bị đình chỉ thi ở môn Ngữ văn. Với chấm thi, địa phương sẽ nỗ lực để bảo đảm chấm chính xác, nghiêm túc, khách quan, an toàn, đúng quy chế, tiến độ. Kết quả thi phản ánh đúng chất lượng bài làm của thí sinh”, ông Phùng Quốc Lập khẳng định.

Lực lượng huy động cho công tác này là 13 người với Ban Làm phách, 20 người trong Ban Chấm thi trắc nghiệm và 110 người trong Ban Chấm thi tự luận. Ngoài ra, phục vụ công tác chấm thi còn có công an, bảo vệ và nhân viên phục vụ (20 người).

Tại Hải Dương, công tác chấm thi được tiến hành từ 2/7. Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương thông tin, khu vực chấm thi được bố trí đảm bảo an ninh, an toàn, có công an, bảo vệ trực. 100% phòng chấm, phòng bảo quản bài thi được lắp camera giám sát và có công an trực 24/24 giờ.

Các phòng chấm, bảo quản bài thi được bố trí gần nhau để thuận tiện cho công tác chấm thi và giám sát. Địa phương chuẩn bị phòng riêng cho cán bộ chấm thi để tư trang, phương tiện thu phát thông tin. Cán bộ chấm thi tuyệt đối không sử dụng phương tiện thu phát thông tin trong quá trình làm việc. Việc tổ chức lấy mẫu chữ ký cho cán bộ chấm thi được thực hiện ngay trong buổi đầu họp triển khai kế hoạch chấm thi.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương khẳng định quản lý bài thi, dữ liệu kết quả thi chặt chẽ, an toàn; thực hiện nghiêm quy định về làm phách, chấm tự luận/ trắc nghiệm, nhập điểm, giao nhận bài thi…; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm, tiêu cực (nếu có).

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Tại buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi kết thúc công tác coi thi, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023.

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh.

Với các tỉnh, thành, Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, trắc nghiệm và phúc khảo bài thi đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Đồng thời, tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi. Cùng với đó, triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các khâu chấm thi của kỳ thi theo kế hoạch và điều động của Bộ. Chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kết thúc kỳ thi: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp thắc mắc liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt phần mềm tuyển sinh; xây dựng giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.

Theo quy định, việc chấm thi ở mỗi Hội đồng thi được thực hiện tại không quá 2 khu vực; trong đó, mỗi Ban Chấm thi thực hiện nhiệm vụ tại một khu vực duy nhất. Khu vực chấm thi phải bảo đảm an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, được công an bảo vệ 24 giờ/ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau.

Bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị. Tuyệt đối không được mang phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của Ban Chấm thi khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ