Nguyễn Bính
Tháng ba trời nắng mới chang chang
Tu hú vừa kêu, vải đã vàng
Hoa gạo tàn đi, cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan.
Mặt hồ vừa đúc khối tiền sen
Bươm bướm đông như đám rước đèn
Ở bãi cỏ non mà lộng gió
Bắt đầu có những cánh diều lên.
Khoá hội chùa Hương đã đóng rồi,
Hội đền Hùng nữa, đám thôn tôi
Thôn tôi vào đám hai ngày chẵn
Chỉ có chèo không, nhưng cũng vui
Mọi làng đặt mã lễ Kì Yên
Mũ với hình nhân, ngựa với thuyền
Cho khỏi bà Nàng đi rắc đậu
Quan Ôn bắt lính khổ dân hiền
Đường lên chợ tỉnh, xa tít tắp...
Nắng mới ôi chao, cát bụi mù
Các chị trong làng đi bán lụa
Giắt đầu từng nắm lá hương nhu.
Tất cả mùa xuân rộn rã đi
Xa xôi người có nhớ thương gì?
Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả
Ta biết xuân nhau có một thì!
Bạn đọc yêu thơ Việt Nam nhiều thế hệ không ai không biết tới Nguyễn Bính, nhà thơ của “hương đồng gió nội” với hàng trăm bài thơ mộc mạc, dân dã mà hữu tình, đằm thắm. Nhưng đạt tới độ tinh tế trong tả cảnh, tả tình, lại tái hiện được cả sắc thái văn hóa lễ hội của dân tộc ở một mùa trong năm thì khó có bài thơ nào xuất sắc hơn là bài thơ “Cuối tháng ba” trên đây.
Căn cứ vào những câu thơ miêu tả thời tiết ngay ở khổ mở đầu, thì có thể thấy đây là thời điểm “cuối tháng ba” ở đây là cuối tháng ba âm lịch, tiết xuân vừa qua nhường chỗ cho mùa hạ tới, với nắng mới “chang chang”, “tu hú vừa kêu, vải đã vàng”, sắc hoa gạo đỏ. Sự vắt dòng từ câu thứ ba xuống câu thứ tư cùng với thủ pháp lặp từ “sắc đỏ” một cách tự nhiên làm người đọc có cảm giác như màu hoa đỏ lấp lánh trong một bức tranh đầy màu sắc và âm thanh tươi tắn của làng quê Việt Nam.
Bức tranh quê từ trong thôn xóm được trải dần về không gian với ao hồ, bờ bãi có hoa, có bướm, có cánh diều. Chỉ vài nét chấm phá: Bươm bướm đông như đám rước đèn, những cánh diều lên (lộng gió) mà tái hiện được sự sống sinh động dường như có chứa đựng cả tâm hồn người nao nức.
Tâm trạng nao nức ấy được bộc lộ rõ ở những khổ thơ tiếp theo, khi nói về lễ hội Chùa Hương, Đền Hùng, những lễ hội lớn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, có sức thu hút nhân dân mọi miền của đất nước, diễn ra từ thời điểm giêng, hai tới rằm tháng ba. Câu thơ: “Thôn tôi vào đám hai ngày chẵn/Chỉ có chèo không, nhưng cũng vui” đột ngột xen vào giữa mạch văn tả cảnh nghe thật thà tới ngu ngơ, nhưng lại làm nên cái duyên rất riêng của thơ Nguyễn Bính, tựa như chiếc răng khểnh trên gương mặt đẹp. Lễ hội Chùa Hương, Đền Hùng thì không ai không biết. Nhưng người dân từ Thanh Hóa trở ra Bắc ngày nay ít ai biết đến Lễ hội Kỳ Yên. Đây là lễ cầu an, tế thần Thành Hoàng lớn nhất trong năm, mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên vui… Ở Nam Bộ, nét đẹp văn hóa ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Bức tranh làng quê trong thơ Nguyễn Bính không bao giờ thiếu chợ:
Đường lên chợ tỉnh, xa tăm tắp...
Nắng mới ôi chao, cát bụi mù
Các chị trong làng đi bán lụa
Giắt đầu từng nắm lá hương nhu.
Đây là chợ phiên, phiên này chợ họp nơi này, nhưng phiên sau có thể họp ở làng xa, tỉnh khác. Nhà thơ Nguyễn Bính nắm bắt hình ảnh những người phụ nữ “chạy chợ” đường xa với mấy nắm lá hương nhu đơn sơ giắt đầu cho thơm tóc thôi mà bức tranh thật sinh động. Cho tới cuối khổ thơ, vẫn là sự sống tươi vui, hối hả của xuân muộn, thậm chí kể cả khi xuân đã đi qua thì vẫn là “rộn rã đi”. Chỉ có tình yêu, nỗi nhớ nhung là còn ở lại, vương vấn lòng người.
Bài thơ đượm tình quê, hồn quê nước Việt với một sắc thái lãng mạn bay bổng vốn là bút pháp thơ Nguyễn Bính. Có người đã đặt câu hỏi, tại sao một bài thơ trong trẻo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc như vậy lại không được đưa vào chương trình phổ thông để học sinh được tiếp cận (hiện chương trình chỉ mới có một bài đọc thêm của Nguyễn Bính là “Tương tư”-chưa thật phù hợp khi nặng ở tình yêu riêng lẻ và với câu thơ như “hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau).
Nhân đọc lại “Cuối tháng ba” của Nguyễn Bính, xin nêu lên vấn đề như là gửi gắm niềm hi vọng ở người làm chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn mới sắp đến!
Nguyễn Thị Thúy Hồng