“Gần Tết Hội du học sinh Việt bên này sẽ cử người đi tìm xung quanh kí túc xá trường, xem gốc cây nào có thế đẹp thì chặt về làm cành đào. Phi vụ này cũng khá là mệt, vì người Nga rất yêu cây cối.
Năm nào, Tuấn cũng cùng các bạn tự tổ chức một cái Tết đượm phong vị quê nhà. “Số lượng nồi dung tích lớn trong thành phố có hạn, nên cứ gần Tết là tranh nhau đi mượn nồi. Lá dong và gạo nếp được đặt, có năm đặt thiếu phải cử người lên Moscow lấy rất vất vả (cách 700km).
Hội sinh viên Việt chúng mình đã luộc bánh thì các bạn Nga nghỉ nấu nướng luôn hôm đấy. Giò làm thừa, cộng với bia sẵn có nên “biệt đội” làm bánh sẽ vừa trông nồi, vừa ăn uống, vừa đánh bài.
Đêm Giao thừa được tổ chức vào lúc 23 giờ đêm theo giờ Việt Nam. Đúng 24 giờ thì bật máy xem tường thuật trực tiếp đón giao thừa ở quê nhà. Khổ, mấy bạn người Nga chẳng hiểu Chủ tịch nước mình nói gì, các du học sinh Việt lại mất công dịch lại, nói như người Nga đây chính là…thông điệp Liên bang”.
Ngoài ra, các du học sinh Việt còn đón Tết bằng những buổi tiệc hiện đại hoặc du lịch ngắn để khám phá, chụp ảnh, hát hò ở thành phố, đất nước đang học tập.
Hiếu Phan (24 tuổi, du học sinh ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Suffolk, Hoa Kỳ) hào hứng kể về kế hoạch đón Tết năm ngoái cùng các chiến hữu.
“Trước Tết, mình sang trường Umass lowel University cùng làm bánh chưng với các bạn sinh viên Việt. Bạn biết không, thời khắc chuyển giao năm mới đúng vào dịp bão tuyết rất lớn. Không thể đi ra ngoài được, mấy đứa bạn tụ tập ở nhà mình đón năm mới.
Ai ngờ đâu vừa đến đêm, bão tuyết mạnh quá nên bị cúp điện hẳn, cả 7 đứa không về nhà được, phải ngủ lại nhà mình. Nhờ vậy mà sáng ra lại được cùng nhau rán bánh chưng, ăn chả giò, thịt vịt, tặng nhau phong bao lì xì, cùng nhau xem “Gặp nhau cuối năm”. Cảm giác đó giống như đang ở Việt Nam vậy. Năm ấy nhờ bão tuyết mà cả nhóm lại được đón năm mới cùng nhau lâu như thế.
Anh chàng tiếp: “Đặc biệt nhất, đúng thời khắc giao thừa, mình đã lấy hết can đảm tỏ tình với cô bạn Rio Lâm. Mình hồi hộp thót tim, nghe xong lời thổ lộ cô ấy ôm mình và nói lời đồng ý.
Mình sướng phát điên lên được, không ngờ nhóm bạn đã rình mò tự bao giờ, chụp ảnh khi tụi mình “kissing” và nhảy chồm ra reo hò khiến cả hai bán “cà chua” mãi không hết. Nhờ liều lĩnh mà một điều ước tình yêu năm mới của mình đã thành hiện thực đúng vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng”.
Còn Tùng Sơn, anh chàng Hà Nội 19 tuổi, hiện là du học sinh ĐH Rennes, Pháp đã có một Tết xa nhà đầu tiên “ngồ ngộ” cùng hội “Gà Ta siêu quậy”. Sau khi ăn uống Tất niên, biệt đội của Sơn làm một chuyến “chu du” Paris bằng tàu – nơi cách thành phố Rennes 350km.
“Đích đến của bọn mình là Duplex Club - gần đại lộ Champs Elyseés ở Khải Hoàn Môn. Cả nhóm có 6 người, 3 nam – 3 nữ (dự trù trước để đủ cặp nhảy mà). Ai dè khi đến nơi, vì trai Tây rất thích gái châu Á nên cả 3 cô nàng bạn thân (người Việt) trong nhóm được mời nhảy hết. Vậy là cả buổi tụi con trai cứ nhảy với nhau thôi.
Chiều mồng Một, nhóm 6 người của Sơn kéo nhau xuống tận Bordeaux để đi chợ Châu Á, mua bánh chưng, ăn phở, xem đốt pháo bông và múa lân: “Vừa đi chơi, bọn mình vừa skype về chúc năm mới gia đình, bạn bè xem như “cầu truyền hình trực tiếp” Tết của những đứa con xa nhà từ thủ đô ánh sáng về Việt Nam vậy. Mọi người ở nhà ai cũng rất vui”.
“Nhiều lần đón Tết xa quê, nhưng mỗi cái Tết lại mang đến cho mình nhiều chiêm nghiệm mới mẻ về ý nghĩa thực sự của ngày Tết. Có những kỉ niệm, “phi vụ” đón Tết chắc chỉ du học sinh mới có.
Tuổi trẻ xa gia đình, đối mặt với cuộc sống tự lập, mỗi người sẽ trở nên mạnh mẽ và hiểu ra giá trị của tình bạn lớn thế nào”, Tùng Sơn khẳng định.