NATO phân mảnh, Đức và Ý hợp tác vì châu Âu

GD&TĐ -Đức và Ý hợp tác phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trước áp lực phân mảnh của khối NATO.

Đức và Ý đang hợp tác để hướng tới ngành công nghiệp quốc phòng chung châu Âu mà vẫn tận dụng kỹ thuật quân sự Mỹ.
Đức và Ý đang hợp tác để hướng tới ngành công nghiệp quốc phòng chung châu Âu mà vẫn tận dụng kỹ thuật quân sự Mỹ.

Tạp chí National Interest mới đây đăng tải bài phân tích của 2 chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương cho hay, Đức và Ý đang bắt tay thật chặt nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Theo đó, Leonardo Rheinmetall Military Vehicles - một liên doanh 50-50 giữa Leonardo của Ý và Rheinmetall của Đức được thành lập, hướng tới thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của riêng châu Âu.

Liên doanh này sẽ tập hợp chuyên môn để phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo (bao gồm nâng cấp tới 125 xe tăng Ariete lên tiêu chuẩn mới) và xe chiến đấu bộ binh. Công ty này sẽ thừa hưởng vị thế dẫn đầu đã được khẳng định của Đức trong xuất khẩu xe bọc thép và cách tiếp cận sáng tạo của Ý. Nó cho thấy tiềm năng của một hệ sinh thái quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn và được tiêu chuẩn hóa.

Quan hệ đối tác này dự kiến ​​sẽ củng cố năng lực quốc phòng của Ý và giúp Rheinmetall của Đức đảm bảo được 20 tỷ euro hợp đồng vào năm 2027. Đây là một bước phát triển mang tính đột phá, đặc biệt là sau các cuộc đàm phán không thành công trước đây của Leonardo với tập đoàn Pháp-Đức KNDS.

Một lĩnh vực quan trọng khác trong sự hợp tác giữa Đức và Ý là mở rộng sang lĩnh vực hàng hải. ThyssenKrupp Marine Systems, công ty nổi tiếng của Đức trong thị trường tàu ngầm thông thường, và Fincantieri, công ty đóng tàu hàng đầu của Ý, đang đặt nền móng cho một nhà vô địch châu Âu trong lĩnh vực phòng thủ dưới nước.

Quan hệ đối tác này có thể củng cố năng lực trong một thị trường dự kiến ​​vượt quá 400 tỷ euro, củng cố vị thế của châu Âu trong một lĩnh vực quan trọng đối với chiến tranh hiện đại, ngay cả trong lĩnh vực dưới nước, nơi họ phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng.

Châu Âu đối mặt kỷ nguyên đầy thách thức

Các hợp tác như 2 liên danh của Đức và Ý nói trên đã cho thấy định hướng mạnh mẽ của 2 thành viên châu Âu này nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của khối trong bối cảnh đầy thách thức hiện tại.

Xung đột Ukraine như một lời cảnh tỉnh về sự cần thiết phải đánh giá lại cách tiếp cận hiện tại của họ đối với an ninh tập thể, đồng thời cũng làm nổi bật những điểm yếu trong các cơ chế phòng thủ của chính mình.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng ngày càng chịu áp lực từ Washington về việc gánh vác trách nhiệm quốc phòng của chính họ. Trong bối cảnh sự trở lại của ông Donald Trump nắm quyền điều hành nước Mỹ, châu Âu cũng nhận thấy cần thiết phải điều hướng động lực xuyên Đại Tây Dương. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, những yêu cầu thẳng thắn của Tổng thống Trump về việc tăng chi tiêu quốc phòng của châu Âu đã phơi bày những chia rẽ sâu sắc trong liên minh quân sự hàng đầu thế giới.

Trên thực tế, các thành viên NATO châu Âu đã tăng chi tiêu quốc phòng của họ thêm 19% (khoảng 78 tỷ USD). Năm 2023, Ý đã chi gần 32 tỷ USD trong khi Đức chi 68 tỷ USD- chiếm 27% tổng ngân sách châu Âu của NATO (tổng cộng là 375 tỷ USD vào năm 2023). Trong khi đó, Mỹ đã chi 860 tỷ USD.

Cả Đức và Ý đều đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng mục tiêu 2% GDP cho NATO, dự kiến ​​​​sẽ chỉ là mức sàn chứ không phải mức trần. Sự trở lại của ông Trump nhấn mạnh sự cấp thiết của việc châu Âu phải chứng minh cam kết của mình đối với quốc phòng của chính họ. Đồng thời cũng phải thực hiện một kế hoạch riêng khác cho năng lực công nghiệp chiến lược chung châu Âu.

Châu Âu sẽ có ngành quốc phòng riêng độc lập Mỹ?

Quỹ Quốc phòng Châu Âu đã nhận được khoảng 300 đơn đăng ký từ các công ty và tổ chức nghiên cứu trong năm nay, tăng 25% so với năm 2023. Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng Châu Âu mới đặt ra mục tiêu đảm bảo đến năm 2030, ít nhất 50% hoạt động mua sắm quốc phòng là thông qua các cơ sở công nghệ và công nghiệp quốc phòng của chính họ.

Khi châu Âu đặt mục tiêu tiến về phía trước, chiến lược quốc phòng của họ có tách rời khỏi mối quan hệ với Mỹ không? Câu trả lời chắc chắn là không.

Cả Đức và Ý đều là đối tác vững chắc của chương trình F-35 và cũng hiện diện tại Mỹ với các khoản đầu tư lâu dài (của công ty Leonardo) hoặc các khoản đầu tư sắp tới (của công ty Rheinmetall). Các công ty quốc phòng của Ý và Đức, như Fincantieri và Rheinmetall, đang củng cố mối quan hệ với Mỹ, đảm bảo sự hội nhập của họ vào chuỗi cung ứng của NATO.

Quỹ Quốc phòng châu Âu đã đặt ra mục tiêu "mua của EU" nhằm đảm bảo 100% sản phẩm quốc phòng đến từ châu lục này thay vì hợp tác với Mỹ. Nhưng Pháp đã bác bỏ quyết định này mới đây, thể hiện một sự thay đổi quan trọng và mở ra những cơ hội mới cho các công ty quốc phòng Mỹ tham gia vào các dự án của Kế hoạch Đầu tư Quốc phòng Châu Âu được đề xuất.

Hiện tại quỹ này có 1,5 tỷ euro được dành cho năm 2027, nhưng dự kiến ​​sẽ tăng lên trong tương lai.

Việc củng cố một cơ sở công nghiệp quốc phòng thống nhất của châu Âu do Rome và Berlin thúc đẩy sẽ giúp thu hẹp khoảng cách của châu Âu với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Mục tiêu cuối cùng là đầu tư nhiều hơn và chiến lược hơn vào các công nghệ mới để tránh trùng lặp và khai thác được các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn.

Những nỗ lực này phản ánh một cách tiếp cận thực dụng: củng cố cơ sở công nghiệp của châu Âu trong khi vẫn duy trì mối liên kết quan trọng với Washington.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.