Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ mở rộng trường, lớp ở Đà Nẵng

GD&TĐ - Lãnh đạo ngành GD&ĐT Đà Nẵng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án mở rộng, nâng cấp trường, lớp để học sinh học.

Trưởng Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ảnh minh họa
Trưởng Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ảnh minh họa

Ngày 13/12, HĐND TP Đà Nẵng tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 21 HĐND thành phố khóa X.

Mở đầu phiên chất vấn lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, đại tá Phan Văn Dũng – Phó Giám đốc Công an TP, tổ đại biểu HĐND TP quận Liên Chiểu chất vấn, trong quá trình phòng chống tội phạm nổi lên đối tượng là thanh thiếu niên. Trong số này có các em học sinh không đỗ vào lớp 10. Cạnh đó, khu vực các em sinh sống không có Trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục dạy nghề nên các em không tiếp cận được.

“Lứa tuổi này về nhận thức pháp luật cũng như năng lực hành vi còn hạn chế nên dễ bị dụ dỗ, tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Công an TP Đà Nẵng xử lý kiên quyết những nhóm này. Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết nguyên nhân, giải pháp phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết vấn đề này”, đại tá Dũng đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, năm học 2024-2025 tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 là 16.334 học sinh/ 18.358 học sinh tốt nghiệp THCS. Học sinh đỗ vào các trường công lập là 11.916 em, 3.626 em học trường ngoài công lập, 792 em học trung tâm giáo dục thường xuyên, còn lại 2.024 em.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho hay, so với Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ (Phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 - PV) và kế hoạch của thành phố, hiện tại tỷ lệ học sinh tham gia học là 89%, còn 11% học sinh không tham gia học công lập, ngoài công lập.

Đến năm 2025 tỷ lệ TP Đà Nẵng phân luồng học sinh là 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS và 35% sau tốt nghiệp THPT. Thành phố đã nỗ lực tư vấn hướng dẫn, tạo điều kiện cho học sinh học tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Số lượng các em không học thì sẽ tham gia học nghề, tại các các trường nghề cũng phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức dạy văn hóa với 4 môn, dạy 7 môn trong chương trình GDPT nếu các em muốn thi Tốt nghiệp THPT.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, vẫn còn một số em chưa tham gia học tại các trường nghề, ngành GD&ĐT tiếp tục phối hợp UBND quận, huyện cùng với Phòng GD&ĐT quận, huyện tư vấn cho học sinh tham gia học tại các trường nghề.

“Hiện một số địa phương, đặc biệt là huyện Hòa Vang các cơ sở trường nghề còn ít, số lượng học sinh không tham gia học lớp 10 nhiều, đây là mối lo trăn trở của của lãnh đạo. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp các em tham gia học tại các trường nghề”, bà Thuận chia sẻ.

Thời gian tới, đại diện ngành GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc phân luồng và giúp đỡ các em học sinh. Đồng thời kiến nghị thành phố đẩy nhanh thực hiện tiến độ đề án mở rộng, nâng cấp trường học, để có thêm trường lớp, đủ cơ sở vật chất cho học sinh học...

Đồng thời, Sở GD&ĐT tham mưu với lãnh đạo thành phố có đề xuất, kiến nghị với Trung ương điều chỉnh tỷ lệ trong Quyết định 522 để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Ngô Xuân Thắng – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, với Quyết định 522 các đô thị phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS phải đạt tỷ lệ 40%, tuy nhiên với Đà Nẵng, năm học 2023-2024 học sinh Tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào lớp 10 chiếm 89%, còn 11% không vào lớp 10. Tính theo tỷ lệ của đề án này thì Đà Nẵng không đạt.

Lãnh đạo HĐND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 522, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT có định hướng mới về nội dung phân luồng giáo dục. Bên cạnh đó, rà soát đề xuất mở rộng trung tâm giáo dục thường xuyên, đặc biệt là ở khu vực xa trung tâm thành phố như Hòa Vang, Liên Chiểu.

“TP có chiến lược phát triển giáo dục thành phố trong giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, phải xem đã làm được gì, khó khăn và sắp đến làm gì? Từ đó tham mưu UBND TP có chương trình, kế hoạch cụ thể báo cáo HĐND TP Đà Nẵng xem xét, phù hợp với định hướng, thực tiễn của thành phố”, ông Ngô Xuân Thắng yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.