10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW:

'Cú hích' phát triển đội ngũ cho đổi mới Giáo dục

GD&TĐ - Thập niên vừa qua, ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên đổi mới mạnh mẽ với mục tiêu tạo “cú hích” trong phát triển đội ngũ...

Tiết học của cô trò Trường Tiểu học Thanh Hưng, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Ảnh: NVCC
Tiết học của cô trò Trường Tiểu học Thanh Hưng, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Ảnh: NVCC

Thập niên vừa qua, ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên đã nỗ lực vượt khó đi lên; chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ với mục tiêu tạo “cú hích” trong phát triển đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Động lực từ chính sách

Theo đại diện Sở GD&ĐT Điện Biên, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngành đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có chính sách hỗ trợ giáo viên, giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học.

“Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, tại các cơ quan quản lý hành chính (sở, phòng) có 117/117 công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Bên cạnh đó, công chức giữ chức vụ quản lý cử đi bồi dưỡng theo quy định cũng đạt tỷ lệ 100%; 33 công chức cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ, một công chức cử đi đào tạo tiến sĩ.

Ngoài ra, 45 công chức được cử đi đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị; 23 công chức cử đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị; 31 công chức cử đi bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên và chuyên viên chính...”, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đoạt, giai đoạn 2013 - 2023, toàn ngành có 694 cán bộ quản lý thuộc khối các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi bổ nhiệm; 1.716 giáo viên được cử đi đào tạo trình độ đại học và trên đại học; 298 người bồi dưỡng tin học; 298 người tham gia bồi dưỡng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, có 677 lượt cán bộ quản lý, giảng viên các trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; 58 lượt cán bộ quản lý tham gia bồi dưỡng quản lý Nhà nước do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức. Hằng năm, 100% viên chức sự nghiệp toàn ngành được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, yêu cầu Luật Giáo dục 2019.

“Chúng tôi đặc biệt chú trọng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Công tác này được tiến hành bài bản, thống nhất, trên cơ sở đánh giá chất lượng đội ngũ, kết hợp nhu cầu đào tạo, bố trí, sử dụng và quy hoạch cán bộ. Nhiều nội dung bồi dưỡng được triển khai đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Có thể kể đến: Bồi dưỡng theo hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các cấp học; tập huấn Mô hình Trường học mới qua trang mạng “Trường học kết nối”; tổ chức hội thảo, bồi dưỡng giáo viên THPT về dạy học, ôn tập, ôn thi đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, yêu cầu Kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT sau này...”, ông Nguyễn Văn Đoạt nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đoạt thăm và động viên các tình nguyện viên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Văn Đoạt thăm và động viên các tình nguyện viên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: NVCC

Tự bồi dưỡng và chuẩn hóa trình độ

“Tôi cho rằng, tự bồi dưỡng có vai trò quan trọng. Nếu không tự bồi dưỡng và nâng cao trình độ mỗi ngày thì bản thân sẽ dần tụt hậu. Bởi thế, tôi thường xuyên tự nghiên cứu tài liệu, tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc.

Phát triển thành thạo kỹ năng, kiến thức sẽ mang lại cho giáo viên sự hài lòng, tự tin. Có như vậy mới nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh”, cô Bùi Thị Thu Hương chia sẻ.

Là giáo viên đứng lớp, cô Bùi Thị Thu Hương (Trường THCS Quài Cang, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo) nhận thức rõ vai trò của việc tự bồi dưỡng để theo kịp yêu cầu đổi mới. Vì thế, cô không ngừng tu dưỡng, học tập nâng cao trình độ cho bản thân.

Theo ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, hằng năm, ngành tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề cấp huyện. Phòng cũng chỉ đạo các trường, cụm trường xây dựng kế hoạch, tổ chức hội thảo, chuyên đề để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia, trao đổi, thảo luận. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình giáo dục các cấp học.

Mỗi năm, phòng GD&ĐT huyện tổ chức 6 hội thảo (mỗi cấp 2 hội thảo). Riêng chuyên đề cấp huyện được tổ chức 7 lần/năm với mầm non; 10 lần/năm với cấp tiểu học và 3 lần/năm với cấp THCS. Chuyên đề cụm cũng được tổ chức 24 lần/năm với cấp mầm non; 10 lần/năm với tiểu học; 18 lần/năm với THCS. Ngành cũng thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn do Bộ và sở GD&ĐT tổ chức.

“Qua công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ ngày càng nâng lên. Đến nay, huyện Tuần Giáo có hơn 1.400 lượt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; trên 3 nghìn đề tài, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả tại các đơn vị. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn, chất lượng thi vào lớp 10, tham gia các cuộc thi, hội thi của học sinh luôn đứng tốp đầu trong tỉnh”, ông Đỗ Văn Sơn thông tin.

Ở quy mô cấp tỉnh, 10 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nâng chuẩn, đạt chuẩn theo hướng nâng chuẩn trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên các cấp được ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm.

Sở GD&ĐT Điện Biên đã chủ động tham mưu, chỉ đạo thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 1 (2020 - 2025). Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo của các cấp về thực hiện lộ trình nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Đưa mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo thực hiện.

Sở cũng xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên các năm theo đúng quy định.

Tính đến 31/3/2023, tỉnh Điện Biên có xấp xỉ 97% giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn so với năm 2020 (tăng 8,3%); giáo viên tiểu học là hơn 80% (tăng 15,1%); giáo viên THCS là 93,6% (tăng 11,3%); giáo viên THPT là 99,8% (tăng 0,1%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ