Giúp nhau vượt khó
Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học & THCS Tân Thanh 1 (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) có 42 đoàn viên với 42 hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung là đoàn kết, nỗ lực, vươn lên khẳng định mình với đồng nghiệp, cùng tạo nên mái ấm Công đoàn yêu thương, quan tâm và chia sẻ.
Trong mái nhà chung đó, nhà giáo Hoàng Thị Hường có hoàn cảnh khó khăn nhất. Cô Hường sớm thiếu vắng bờ vai vững chắc để dựa mỗi khi mệt mỏi bởi hạnh phúc không tròn trịa như bao gia đình khác. Một mình cô phải đảm nhận vừa làm mẹ vừa làm cha khi con mới học mầm non.
Cuộc sống của mẹ con cô Hường trông vào đồng lương ít ỏi, không có nhà riêng, phải ở nhờ tập thể của trường. Hằng ngày, cô dậy sớm để thu xếp cho con bữa sáng, đưa đi học, sau đó nhanh chóng tới trường. Vất vả là thế, nhưng chưa bao giờ cô Hường kêu ca, than thở với ai mà luôn cần mẫn, cố gắng chu toàn công việc gia đình, nhà trường.
Để cùng chia sẻ, tiếp thêm động lực cho đồng nghiệp, Ban Chấp hành Công đoàn Trường Tiểu học & THCS Tân Thanh 1 luôn sát cánh, động viên khích lệ tinh thần, tạo mọi điều kiện từ sắp xếp vị trí công tác đến quan tâm hằng ngày, giúp cô yên tâm công tác, làm tròn bổn phận với gia đình.
Đáp lại điều đó, cô Hường luôn nỗ lực hết mình, tận tâm với học trò, được phụ huynh tin yêu, học sinh kính trọng, nhà trường tín nhiệm giao chức vụ Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 3 nhiều năm học. Không chỉ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, mỗi công việc được giao, cô luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất.
Đại diện Báo GD&TĐ trao quà thăm hỏi cho giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền gặp tai nạn do sạt lở đất trên đường đi dạy về. Ảnh: Hồ Lài |
Chia sẻ của cô Hoàng Thị Mẫn - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Cao Lộc (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), những năm qua, Công đoàn luôn sát cánh cùng nhà giáo trong mọi hoạt động. Để kịp chăm lo đoàn viên, Ban Chấp hành Công đoàn trường đã giao trách nhiệm cho từng tổ công đoàn, yêu cầu chủ động quan tâm đến đời sống cán bộ giáo viên; kịp thời thăm hỏi động viên khi có người ốm đau hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng dịch Covid-19, các cấp công đoàn ngành trực tiếp tặng quà, động viên 475 nhà giáo, người lao động (NGNLĐ); hỗ trợ 113 NGNLĐ các trường công lập chưa được trả lương thời điểm dịch diễn biến phức tạp. Cùng đó, vận động hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên hoàn cảnh khó khăn.
Công tác chăm lo đời sống NGNLĐ luôn được các cấp công đoàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Bởi vậy hằng năm, Công đoàn ngành tập trung chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn có giải pháp, cơ chế hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NGNLĐ.
Chia sẻ điều này, bà Hà Thị Thúy Hằng - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Lạng Sơn đồng thời cho biết: Công đoàn ngành còn triển khai các hoạt động, chia sẻ, hỗ trợ nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, nhận thức pháp luật, giải tỏa áp lực, khó khăn, tạo động lực; cải thiện điều kiện làm việc, cuộc sống đội ngũ NGNLĐ; quan tâm đến nhà giáo vùng biên giới, đặc biệt khó khăn với mục tiêu số lượng nhà giáo và học sinh được hỗ trợ năm sau nhiều hơn năm trước.
Nổi bật trong công tác chăm lo đời sống NGNLĐ những năm qua là Công đoàn ngành Giáo dục Lạng Sơn tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; phối hợp thực hiện tốt cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn”.
Đoàn viên Công đoàn Trường Tiểu học & THCS Tân Thanh 1 (Tuyên Quang) giúp đỡ cô giáo Hoàng Thị Hường san nền nhà. Ảnh: Lan Anh |
Chăm lo thiết thực nhà giáo
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) nhìn nhận: Thời gian qua, CĐGDVN các cấp đã triển khai vận động, hỗ trợ trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc...; chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần; động viên, tôn vinh, khen thưởng kịp thời NGNLĐ.
Khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ NGNLĐ tự chăm lo cuộc sống; chủ động rà soát, đề xuất cơ chế hỗ trợ, các khoản phúc lợi cho NGNLĐ; vận động mọi nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, nhất là NGNLĐ hoàn cảnh khó khăn, rủi ro, công tác vùng núi, sâu, xa, biên giới, hải đảo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Cụ thể như, CĐGDVN triển khai chương trình “Quyên góp xây dựng nhà công vụ, hỗ trợ giúp đỡ NGNLĐ vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” và tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn”.
Công đoàn các đơn vị đã chủ động kết nối, kêu gọi nhà tài trợ, doanh nghiệp, cựu sinh viên tham gia hỗ trợ, quyên góp, ủng hộ giáo dục vùng núi, sâu, xa, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ…
5 năm qua, các cấp công đoàn toàn ngành đã huy động được số kinh phí và hiện vật quy ra tiền trên 700 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và bổ sung trang thiết bị 732 nhà công vụ giáo viên, hỗ trợ sửa chữa và xây mới 4.733 nhà ở cho NGNLĐ, nhà “Mái ấm Công đoàn”, 1.188 công trình nước sạch và các thiết chế cho nhà trường; hỗ trợ trên 867 nghìn lượt NGNLĐ.
Trong đó CĐGDVN huy động trên 35,5 tỷ đồng, xây mới và hỗ trợ sửa chữa 50 công trình nhà công vụ, công trình nước sạch, bếp ăn bán trú; hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu cho 33 nhà công vụ giáo viên khi khánh thành và đưa vào sử dụng; trực tiếp hỗ trợ trên 6 nghìn NGNLĐ khó khăn, tai nạn rủi ro, bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh.
CĐGDVN đã tổ chức 10 chương trình “Tết sum vầy”, trong đó 3 chương trình “Tết cho giáo viên cắm bản”, 7 chương trình “Tết sum vầy”, giao lưu “Nhà giáo mang quân hàm xanh” với tổng kinh phí và hiện vật quy ra tiền gần 10 tỷ đồng; trao 1.792 suất quà Tết cho NGNLĐ; 11.050 suất quà Tết cho học sinh.
Đồng thời trích kinh phí công đoàn, Quỹ xã hội và các nguồn vận động từ công đoàn đơn vị trong ngành, tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức Tết cho trường vùng khó khăn, NGNLĐ không có điều kiện về quê đón Tết; tham mưu, phối hợp tổ chức đoàn công tác của lãnh đạo Bộ GD&ĐT thăm, chúc Tết, tặng quà NGNLĐ hoàn cảnh khó khăn, tham gia phòng chống dịch Covid-19...
Chỉ đạo CĐGD các cấp phối hợp với chuyên môn, Hội Cựu giáo chức tổ chức gặp mặt, tri ân các thế hệ CBNGNLĐ; vận động, huy động nguồn lực xã hội cùng quan tâm, chia sẻ, động viên và chăm lo nhà giáo, nhất là dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tết Nguyên đán…
Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động” được triển khai sâu rộng theo Chương trình số 1734/CTr-TLĐ ngày 14/11/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CĐGDVN đã ký kết hợp tác với 11 đơn vị, doanh nghiệp để NGNLĐ được mua hàng chất lượng với giá ưu đãi hoặc hỗ trợ bằng kinh phí, hiện vật. Có đơn vị tài trợ trực tiếp bằng hiện vật trị giá 5 tỷ đồng cho một chương trình do CĐGDVN tổ chức.
Việc triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” được triển khai ở 2 doanh nghiệp và một số đơn vị ngoài công lập trong điều kiện phù hợp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, sức khỏe với gần 4 triệu lượt CBNGNLĐ được khám, tư vấn định kỳ. CĐGDVN tổ chức 2 chương trình “Chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí” cho gần 1 nghìn NGNLĐ đang công tác tại vùng khó khăn, biên giới, hải đảo với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng; chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức tốt việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho NGNLĐ.
Các cấp công đoàn đã tích cực, chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho NGNLĐ. Nhiều công đoàn cơ sở thành lập và duy trì câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật; tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong NGNLĐ.
Nhiều đơn vị bổ sung, nâng cấp thư viện, phòng đọc sách, đọc báo, truyền thống; phối hợp vận động quyên góp hỗ trợ các trường vùng khó; tổ chức tham quan, nghỉ mát, giao lưu, gặp mặt, thăm hỏi, giúp đỡ NGNLĐ; phối hợp với chuyên môn tạo điều kiện, cơ chế để mang lại cơ hội việc làm, thu nhập và từng bước nâng cao đời sống cho NGNLĐ.