Cú hích cho giáo dục thể chất

GD&TĐ - Lần đầu tiên dự án tổng thể, dài hạn về truyền thông thể thao trường họcđược Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) ký kết với Ban sản xuất các chương trình thể thao (Đài THVN) và Công ty truyền thông Unicomm (Unic).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên mà dự án được đánh giá có ý nghĩa chiến lược với sự hoàn thiện chất lượng của thể thao trường học nói riêng và chất lượng giáo dục đào tạo nói chung.

Giáo dục thể chất đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát huy và bồi dưỡng nhân tố con người, góp phần nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam, tăng cường và giữ vững an ninh quốc phòng. Với vai trò quan trọng đó, môn học Giáo dục thể chất đã được đưa vào trường học xuyên suốt từ mẫu giáo cho đến đại học với những định hướng, mục tiêu cụ thể. Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng đặc biệt nhấn mạnh phát triển thể chất để phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ cho học sinh.  

Triển khai Nghị định của Chính phủ quy định về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học môn Thể dục, các nhà trường cũng đồng thời tích cực phát triển thể thao học đường, thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ, tạo điều kiện cho HSSV, cán bộ giáo viên được thường xuyên tham gia tập luyện, thi đấu…

Tuy vậy, trên thực tế, môn học Giáo dục thể chất nói chung và hoạt động thể thao học đường nói riêng vẫn chưa thực sự hấp dẫn học sinh. Việc HSSV ngại rèn luyện thể dục thể thao vẫn còn phổ biến, thực tế này không chỉ bất lợi về mặt sức khỏe thể chất, tinh thần cho cá nhân, mà còn ảnh hưởng xấu đến việc nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Cho đến nay, việc cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam còn chậm và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại nhiều tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn hơn 30%, thậm chí một số tỉnh tỷ lệ này còn cao hơn nữa như: Kon Tum (38,9%), Gia Lai (35,2%), Lai Châu (36,2%)...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng HSSV chưa mặn mà với việc rèn luyện thể chất. Cơ sở vật chất tập luyện còn nghèo nàn, đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu, hình thức tập luyện đơn điệu, kinh phí động viên khen thưởng phong trào quá khiêm tốn… Đặc biệt về mặt nhận thức vẫn còn một bộ phận không nhỏ HSSV, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên chưa coi trọng việc học tập và rèn luyện thể dục thể thao. Tình trạng coi giáo dục thể chất là môn phụ, hoạt động phụ, không cần phải học, phải tham gia tương đối phổ biến. Thậm chí có nơi từng có hiện tượng cắt giảm thời lượng tiết thể dục, giảm các phong trào thể thao để ưu tiên thời gian cho các môn thi tốt nghiệp, thi ĐH.

Trí lực rất quan trọng nhưng nếu không được gắn với một thể lực khỏe mạnh, chất lượng nguồn nhân lực cũng có vấn đề, khó nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thành công của mỗi cá nhân cũng như quốc gia. Vì thế, việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục thể chất nói chung, hoạt động thể thao học đường nói riêng là một nội dung công tác quan trọng.

Cùng với việc cải thiện sân bãi tập, chất lượng đội ngũ, truyền thông thể thao trường học nếu được tiến hành bài bản, hiệu quả sẽ là giải pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, GV, HSSV, từ đó thay đổi hành động theo chiều hướng tích cực. Hi vọng với việc được triển khai trong 5 năm (2020 - 2025), mở rộng về hình thức đồng thời đi vào chiều sâu, dự án tổng thể hoạt động truyền thông thể thao trường học sẽ tạo cú hích cho công tác giáo dục thể chất, thúc đẩy các hoạt động thể thao học đường, góp phần phát triển thể lực, nâng cao tầm vóc thế hệ trẻ Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.