Giáo dục thể chất: Cần sách giáo khoa hay sân chơi, bãi tập?

GD&TĐ - Sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động học tập, vui chơi. Rèn luyện sức khỏe là quyền lợi và trách nhiệm mỗi người, đồng thời là một trong những nhiệm vụ chính của môn Thể dục. Theo đề xuất của hầu hết các giáo viên thể dục, cần có sân bãi và nhà thể chất đa năng để việc dạy học môn học này đạt hiệu quả.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Cần cả sách lẫn sân bãi

Là người có thâm niên dạy môn Thể dục ở Trường THPT Việt Vinh (Bắc Quang, Hà Giang), thầy Bàng Tất Thắng chia sẻ: Nhận biết tầm quan trọng của môn Thể dục, nên dù nằm ở trung tâm huyện nhưng trường vẫn được cấp một quỹ đất đủ để tổ chức các hoạt động giáo dục, trong đó có hoạt động giáo dục thể chất (GDTC).

“Đối với các trường vùng cao, để có một sân tập cho học sinh quả thực không dễ. Vì vậy, có một sân tập rộng rãi và thoải mái đã là một thuận lợi rất lớn. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện để thầy, trò phát huy hết khả năng đối với môn học này” – thầy Bàng Tất Thắng chia sẻ, đồng thời cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là dụng cụ phục vụ cho môn học này vẫn còn thiếu thốn. Do thời tiết vùng cao lạnh và mưa nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động GDTC. Vì thế nếu có nhà thể chất đa năng sẽ tốt hơn rất nhiều. Khi đó thầy – trò sẽ yên tâm dạy – học.

Cũng theo thầy Bàng Tất Thắng, từ trước đến nay chỉ có sách dành cho giáo viên dạy Thể dục, nên nếu bây giờ có sách giáo khoa cho môn học này sẽ tốt. Khi đó, giáo viên có thể định hướng tốt hơn việc dạy học của mình và học sinh cũng có thêm tư liệu để học tập, rèn luyện mỗi ngày.

Liên quan đến vấn đề này, thầy Trịnh Quốc Tuấn – giáo viên dạy Thể dục Trường THPT Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) nêu quan điểm: Với môn GDTC, sách giáo khoa chỉ là phương tiện hỗ trợ; điều quan trọng nhất vẫn là cơ sở vật chất phục vụ dạy – học phải đảm bảo. Chẳng hạn như: Hố nhảy sâu, xà nhảy cao và những thiết bị phụ trợ đi kèm.

Thầy Trịnh Quốc Tuấn cho biết: Về cơ bản, Trường THPT Yên Lãng đã trang bị đầy đủ các dụng cụ, bãi thực hành dành cho môn Thể dục. Tuy nhiên, tất cả đều thực hiện ngoài trời, ngày nắng không sao nhưng ngày mưa, thầy, trò sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả; thậm chí phải nghỉ học (nếu trời mưa to). Vì thế, mong muốn lớn nhất của thầy Trịnh Quốc Tuấn là có một nhà thể chất để thầy – trò yên tâm học tập và rèn luyện bộ môn này.

Thầy Trịnh Quốc Tuấn cũng mong muốn, mọi người không nên nhìn nhận: Thể dục là môn học phụ. Bởi đã là môn học bắt buộc, được xếp thời khóa biểu như những môn học khác thì môn học đó chắc chắn có tầm quan trọng của nó. “Hiện nay, chúng ta chú trọng đến phát triển thể lực, tầm vóc của học sinh.

Mặt khác, trong môi trường học đường, muốn học tập tốt, tham gia các hoạt động giáo dục đầy đủ thì bắt buộc học sinh phải có sức khỏe. Để có sức khỏe phải rèn luyện. Tất cả điều này đều thuộc về nhiệm vụ của môn Thể dục. Vì vậy, môn học phải được nhìn nhận công bằng và cần được đầu tư xứng đáng, ít nhất là về cơ sở vật chất” – thầy Trịnh Quốc Tuấn chia sẻ.

 Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được đầu tư đầy đủ về trang thiết bị, xây dựng nhà thể chất đa năng để phục vụ cho môn học này. Ngoài ra, nếu có sách giáo khoa cho môn học này thì càng tốt. Khi đó việc dạy - học của thầy, trò sẽ đúng và trúng mục tiêu hơn. 
Cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền trao đổi

Trên thực tế, hầu hết các trường đều coi trọng môn Thể dục, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí hạn chế nên việc đầu tư cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang) cho hay: Nhà trường chưa bao giờ có khái niệm môn học nào là phụ, môn học nào là chính.

Các môn học đều được quan tâm, coi trọng bình đẳng như nhau. Riêng môn Thể dục khó khăn hơn về cơ sở vật chất. Vì để đầu tư xây dựng nhà thể chất cần một khoản kinh phí lớn, ngoài khả năng của nhà trường. Chưa có nhà thể chất nên hiện tại việc dạy – học của thầy, trò vẫn được thực hiện trên nền cứng và thực hành ngoài trời nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của môn học.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Dành nhiều thời gian cho thực hành

Quang Vinh - HS lớp 11A1 Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long An chia sẻ: “Em cảm thấy hài lòng khi học môn GDTC, vì đây là cơ hội để rèn luyện sức khỏe, học tập tốt hơn cũng như vận động cơ thể sau những giờ học căng thẳng trên lớp. Việc thực hành nhiều sẽ giúp chúng em dễ dàng tiếp cận với bài học, rèn luyện động tác được nhuần nhuyễn và tạo cảm hứng trải nghiệm thực tế nhiều hơn”.

Cùng ý kiến với Quang Vinh, các bạn Yến Nhi, Minh Thư, Hồng Nhung, Phương Uyên đến từ lớp 9A2 Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Long An, cũng trải lòng về môn GDTC: “Việc tăng cường phần thực hành sẽ tạo cho chúng em nguồn cảm hứng, đam mê khám phá học hỏi, trải nghiệm thực tế hơn với những bài giảng được thể hiện qua tranh ảnh...”.

Theo ThS Nguyễn Văn Bắc - Trưởng khoa Khoa học Thể thao (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), với quan điểm “Thể xác khỏe là nền tảng để có tinh thần mạnh; thể xác và tinh thần khỏe mạnh là nền tảng để có tự do”, lãnh đạo nhà trường đã có những đầu tư đúng đắn cho việc rèn luyện thể dục - thể thao như là giải pháp chính để giúp sinh viên có thể lực khỏe mạnh.

Đồng thời, thông qua thể dục - thể thao, giáo dục sinh viên đức tính lễ phép, tinh thần tập thể, tính kỷ luật, kiên trì và tinh thần đồng đội. Thông qua thể dục thể thao, sinh viên còn được đào tạo tính mục tiêu, cách làm việc nhóm, nguyên tắc công bằng và sòng phẳng; phát triển kỹ năng đối mặt với thách thức… từ đó, đào tạo sinh viên phát triển một cách toàn diện để phụng sự xã hội và đất nước tốt hơn.

“Hiện nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 20 câu lạc bộ thể dục thể thao với 4.386 thành viên, tập luyện thường xuyên tại trường. Các câu lạc bộ này là hạt nhân thu hút, vận động sinh viên tham gia ít nhất một môn và lôi kéo sinh viên vào thể thao học đường một cách rộng rãi. Mỗi câu lạc bộ đều có huấn luyện viên chuyên nghiệp hướng dẫn và giảng dạy cho các thành viên” - ThS Nguyễn Văn Bắc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ