Cấu trúc SGK Giáo dục Thể chất 1
SGK Giáo dục Thể chất 1 được thiết kế theo các phần, chủ đề, bài học, cấu trúc như sau:
Phần 1: Kiến thức chung, gồm hai nội dung (Vệ sinh sân tập và Chuẩn bị dụng cụ trong tập luyện). Phần này sẽ được dạy lồng ghép trong tất cả các tiết học nhằm phát triển năng lực Chăm sóc sức khoẻ.
Phần 2: Vận động cơ bản, gồm ba chủ đề với 12 bài, dạy trong 45 tiết: Đội hình đội ngũ (4 bài – 14 tiết); Bài tập thể dục (3 bài – 7 tiết); Tư thế và kĩ năng vận động cơ bản (5 bài – 24 tiết) nhằm phát triển năng lực Vận động cơ bản.
Phần 3: Thể thao tự chọn, gồm hai chủ đề (môn Bóng rổ – 4 bài và môn Bơi – 5 bài), mỗi chủ đề dạy trong 18 tiết nhằm phát triển năng lực Hoạt động thể dục thể thao.
Mỗi bài học gồm bốn hoạt động: Mở đầu: Khởi động (chuyển cơ thể từ trạng thái tĩnh sang động) và chơi các trò chơi bổ trợ khởi động; Kiến thức mới: Nội dung bài học. Luyện tập: Tập luyện, chơi các trò chơi vận động để củng cố nội dung bài học và phát triển thể lực. Vận dụng: Củng cố và khắc sâu kiến thức đã học qua các bài tập, tình huống thực tiễn.
Những điểm mới của SGK Giáo dục Thể chất 1
SGK Giáo dục Thể chất 1 tuân theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực người học; thể hiện được quan điểm chung của bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống và mục tiêu chung của phong trào thể thao Olympic là Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn.
Các nội dung của cuốn sách được lồng ghép rất nhiều hoạt động, trò chơi giúp học sinh cùng giáo viên có thể trải nghiệm và tổ chức lớp học một cách đa dạng.
Ví dụ trò chơi Nhóm ba, nhóm bảy (trang 14), Thỏ nhường hang (trang 29):
Nhiều nội dung văn học, âm nhạc, tự nhiên – xã hội, bảo vệ môi trường được lồng ghép không chỉ giúp học sinh cảm thấy sự gần gũi của các hoạt động thể dục thể thao xung quanh mà còn tăng thêm hiểu biết, vốn sống cho các em.
Ví dụ Hoạt động chào cờ (trang 13), Xếp hàng vào lớp (trang 17), Cùng người thân tập thể dục buổi sáng (trang 61), Trò chơi Tín hiệu đèn giao thông (trang 75)...
Nội dung Kiến thức chung về Giáo dục Thể chất gồm Vệ sinh sân tập và Chuẩn bị dụng cụ trong tập luyện, được thiết kế để dạy lồng ghép trong mỗi buổi tập (Phần mở đầu hoặc Phần kết thúc) dưới dạng câu hỏi, hình vẽ gợi mở, gắn với cuộc sống.
Ví dụ hình ảnh thể hiện cảnh học sinh làm vệ sinh (trang 5, 6), thu dọn dụng cụ sau buổi tập (trang 7, 8):
Do đặc thù của sách tiểu học, công tác minh hoạ đặc biệt được chú trọng đảm bảo tính xuyên suốt, tính logic và thẩm mĩ cao trong toàn bộ cuốn sách. Từng chi tiết nhỏ như kĩ thuật động tác, tư thế thân người, góc nhìn, phù hợp lứa tuổi, bối cảnh gần gũi với thực tế… đều được cân nhắc rất kĩ lưỡng. Ví dụ các động tác ở trang 32, 72: