Công tác nữ trong nhà trường cần được chú trọng

Công tác nữ trong nhà trường cần được chú trọng

(GD&TĐ) - Trong giai đoạn hiện nay, ở mỗi nhà trường phổ thông, trong chương trình giáo dục toàn diện cần đẩy mạnh và quan tâm hơn nữa tới công tác nữ, đặc biệt là với nữ sinh THPT. Đây là đối tượng đặc thù cần nhận được sự quan tâm, tư vấn và giúp đỡ của các thầy cô giáo và các lực lượng xã hội.

Bữa ăn trưa của nữ sinh bán trú trường THCS Đồng Sơn Tân Sơn Phú Thọ
Bữa ăn trưa của nữ sinh bán trú trường THCS Đồng Sơn Tân Sơn Phú Thọ

Nhìn từ thực trạng

Có thể nói, trong những năm gần đây, dư luận và các nhà trường đặc biệt quan tâm và bức xúc trước thực trạng đã và đang diễn ra ở học đường. Mà những bức xúc đó lại rơi vào đối tượng là nữ sinh, bộ phận được coi là “ phái yếu”. Những sự việc xảy ra làm cho các cơ quan giáo dục, đặc biệt là nhà trường phổ thông cùng với gia đình cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm tránh những sự việc xảy đến đối với nữ sinh trong nhà trường.

Trong thời gian qua, liên tiếp xảy ra những sự việc không đáng có như bạo lực học đường. Mà đối tượng của những vụ việc trên lại là nữ sinh ở một số nhà trường trên địa bàn thành phố, thị xã và trị trấn.

Hiện tượng các nữ sinh đánh nhau chỉ vì những khúc mắc nhỏ, vì những câu nói làm “phật lòng” nhau hay yêu đương cùng đối tượng trở nên ghen tuông dẫn đến những cuộc đánh nhau tập thể ngay giữa đám đông. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức mà còn làm ảnh hưởng tới trật tự xã hội.

Không chỉ có bạo lực, nữ sinh ở một số trường THPT còn bỏ học, chơi bời lêu lổng khi không có sự quản lý chặt chẽ của gia đình. Hầu hết các em học sinh này có cha mẹ bỏ nhau, gia đình lục đục, hay cha mẹ đi làm ăn ở nước ngoài khiến các em trở nên tự do chơi bời dẫn đến tình trạng sa sút kết quả học tập, dần dần bỏ học tự do.

Nếu như bạo lực thường hay diễn ra ở các trường ở thành phố, thị xã thì việc chưa hiểu biết hoặc hiểu biết chưa nhiều về sức khỏe sinh sản vị thành niên ở số đông nữ sinh ở các trường khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao diễn ra phổ biến.

Nhiều phụ huynh và nhà trường “giật mình” khi biết con em mình bỗng nhiên mang thai ngoài ý muốn và bắt buộc phải dừng tiến độ học tập. Do không hiểu biết nhiều về sức khỏe sinh sản, lại không được gia đình quan tâm và ít được tư vấn cộng với việc yêu đương ở tuổi còn đang học tập dẫn đến quan hệ tình dục ở ngay lứa tuổi học đường.

Điều này, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các em bởi trong sự phát triển tâm lý lứa tuổi đang rất phức tạp, nếu được tư vấn một cách khoa học và thường xuyên, các em sẽ có được những kinh nghiệm và ý thức được bản thân mình.

Tại một trường THPT ở Bảo Yên, một học sinh nữ học gần hết lớp 12, sắp tốt nghiệp ra trường nhưng đến giữa kỳ, thầy giáo chủ nhiệm phát hiện em học sinh này đã có thai sáu tháng và không thể tiếp tục đi học được nữa. Điều tra ra mới biết, em từng yêu một anh chữa xe đạp cùng xóm và đã có quan hệ tình dục với anh ta rồi không biết mình có “bầu” từ khi nào. Hiện tượng này diễn ra khá nhiều tại các trường học ở vùng cao bởi ngoài yếu tố tâm lý, các em nữ sinh còn bị ảnh hưởng bởi tập quán vùng. 

Ở mỗi nữ sinh, ngoài việc học tập thì kỹ năng sống là một yếu tố không thể thiếu và cần phải giáo dục khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng trên thực tế, ngày càng nhiều có nữ sinh bị hiếp dâm, nữ sinh bị chết đuối, nữ sinh bị tai nạn…

Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng học sinh nữ còn thiếu nhiều kỹ năng sống để tự lo và tự bảo vệ cho bản thân mình trong những tình huống của cuộc sống cũng như trong học đường.

Nữ sinh ở trường học vùng cao cần được quan tâm đặc biệt
Nữ sinh ở trường học vùng cao cần được quan tâm đặc biệt

Chúng tôi có thực tế tại một trường THPT, một nhóm học sinh, trong đó có 2 học sinh nam và 3 học sinh nữ rủ nhau ra chơi ở bãi cát bờ sông Hồng. Do “chới với” gần mép nước nên một em nam đã bị sụt cát và bị cuốn xuống nước sâu.

Hai em nữ trên bờ thấy thế, vội nhảy xuống cứu bạn nhưng do không biết bơi nên cả ba em đều bị chết đuối. Vụ việc này đặt ra một giả thuyết nếu các em có kỹ năng xử lý sự việc thì liệu các em có bị chết đuối như thế không.

Hiện nay, việc giáo dục và công tác nữ ở nhiều nhà trường còn mang tính hình thức và chiếu lệ. Có kế hoạch, có chương trình nhưng lại chưa có hành động hoặc nếu có thì cũng chỉ “qua loa” và hiệu quả giáo dục chưa cao. Kết quả là vẫn còn nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với nữ sinh ở nhiều nhà trường.

Cần có những giải pháp tối ưu:

Đó là yêu cầu cần có trong chương trình giáo dục toàn diện hiện nay ở mỗi nhà trường. Đặc biệt là các trường THPT, nơi có đối tượng học sinh nữ đang ở giai đoạn “nhạy cảm” về tâm sinh lý.

Mỗi nhà trường cần thành lập ban công tác nữ trong nhà trường, trong đó, cần chú trọng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động công tác nữ sinh trong cả năm học. Căn cứ vào đặc thù vùng miền, đặc điểm sống và sinh hoạt của học sinh để xây dựng những chương trình giáo dục nhằm hướng tới đối tượng chính là các em nữ sinh trong nhà trường.

Ở lứa tuổi học đường, các em nữ sinh rất cần sự tư vấn về mọi vấn đề liên quan đến bản thân mình. Vì vậy, việc thành lập ban tư vấn nữ sinh cần được triển khai rộng khắp ở các nhà trường.

Ban chấp hành Đoàn thanh niên cần phối hợp chặt chẽ với ban tư vấn để tổ chức thường xuyên các hoạt động tư vấn trong nhà trường. Thành viên ban tư vấn phải là các thầy cô giáo có kinh nghiệm về mọi mặt trong đời sống, gần gũi học sinh và hiểu biết tâm sinh lý các em.

Hàng tuần, ban tư vấn cần dành thời gian để cho các em được gặp gỡ và thổ lộ những vấn đề mà mình đang cảm thấy khó khăn, khó tháo gỡ trong cuộc sống và học đường. Hình thức tư vấn có thể gặp trực tiếp hay có thể qua thư, qua điện thoại để các em nữ sinh không cảm thấy e ngại trước những vấn đề đặc biệt nhạy cảm.

Để phát hiện kịp thời những vấn đề liên quan đến nữ sinh, giáo viên chủ nhiệm cần theo dõi và nắm bắt được những biến đổi về tâm lý cũng như hành động của học sinh để kịp thời tìm ra nguyên nhân vì sao và có giải pháp tư vấn các em.

Những vấn đề nhạy cảm và khó nói ở nữ sinh cần được tư vấn một cách thấu đáo như vấn đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng giao tiếp…

Hoạt động ngoại khóa cần được đẩy mạnh ở các nhà trường. Đó là sân chơi bổ ích và lý tưởng để học sinh nói chung và nữ sinh có cơ hội bộc lộ mình, được học hỏi, được giao lưu và được quan tâm hơn.
Việc sân khấu hóa các sân chơi qua các tiểu phẩm, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các cuộc thi như nữ sinh thanh lịch, hội thi khéo tay hay làm, thi cắm hoa, trang phục nữ sinh…sẽ giúp các em có thêm được những trang bị về kỹ năng mà mỗi học sinh nữ cần phải học, cần phải có.

Thi cắm hoa, một hoạt động ngoại khóa của nữ sinh trường THPT Hạ Hòa- Phú Thọ
Thi cắm hoa, một hoạt động ngoại khóa của nữ sinh trường THPT Hạ Hòa- Phú Thọ

Công tác phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng xã hội, các tổ chức trong giáo dục, tư vấn học sinh nữ cần được đẩy mạnh. Khi những sự việc xảy ra với nữ sinh thì không chỉ có ở môi trường học đường mà các em còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài như gia đình, xã hội.

Điều quan trọng là giáo viên chủ nhiệm và nhà trường cần kịp thời phát hiện và có những giải pháp phối hợp khi có nguyên nhân tác động từ bên ngoài đối với nữ sinh.

Mỗi năm học, có hai ngày kỷ niệm lớn đối với nữ giới. Đó là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10 và ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Đây cũng là dịp để các nhà trường chỉ đạo các lớp học sinh tổ chức hội thảo, dạ hội về nữ sinh.

Trong đó, chủ đề của từng ngày cần được phong phú hóa để ngày hội có tác dụng giáo dục hiệu quả đối với nữ sinh. Không chỉ tập trung vào ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ mà còn lồng ghép vào các hoạt động như diễn đàn nữ sinh, nữ sinh thanh lịch, nữ sinh tài năng, chuyện giao tiếp của nữ sinh…Có được nhiều nội dung, nữ sinh sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi, mở mang hiểu biết và kỹ năng sống cho mình.

Đứng trước nhiều vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác nữ trong nhà trường cùng nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, mỗi nhà trường cần có những giải pháp mang tính giáo dục thật hiệu quả để đưa công tác nữ sinh vào chương trình giáo dục toàn diện học sinh.

Việc nắm bặt được đặc điểm và sự phát triển tâm sinh lý một cách phức tạp ở nữ sinh sẽ giúp mỗi nhà trường có những chương trình phù hợp nhằm giúp cho đối tượng từ lâu vẫn được coi là “phái yếu” luôn giữ vững được tâm thế để học tập tốt hơn.

Nguyễn Thế Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.