Theo tiến sĩ Lê Văn Canh, việc tham gia vào cộng đồng học ngoại ngữ là việc làm mang tính tự giác, do vậy người học cần có thái độ tích cực và động lực mạnh mẽ.
Trên thực tế, nhiều học sinh Việt Nam đạt kết quả cao trong học ngoại ngữ một phần là nhờ họ biết tận dụng những điều kiện hiện hiện có nhờ có động lực học tập mạnh mẽ.
Bên cạnh yếu tố động lực mang tính tiên quyết thì kỹ năng tự học cũng rất quan trọng. Thiếu những kỹ năng học tập đó, việc xây dựng cộng đồng học tập chỉ mang tính hình thức.
"Để phát triển động lực và kỹ năng tự học cho người học cần hai yếu tố quan trọng: Sự gắn kết giữa nội dung trong chương trình học trên lớp với nội dung tự học trong cộng đồng để giúp người học đạt mục tiêu trong học tập của cá nhân; và sự hỗ trợ của giáo viên.
Sự hỗ trợ của giáo viên cần tập trung vào lựa chọn học liệu và hoạt động phù hợp; phương pháp học để phát huy tối đa các nguồn học liệu và hoạt động học đó; phương tiện (media) được sử dụng để tăng cường hoạt động tương tác bằng ngoại ngữ giữa các thành viên trong cộng đồng" - tiến sĩ Lê Văn Canh nhấn mạnh thêm.
Xây dựng các cộng đồng học tập ngoại ngữ chính là một nỗ lực quan trọng góp phần cá thể hoá các chiến lược học tập của người học dựa trên những sự tương đồng phổ biến về phong cách học của một nhóm người học cụ thể trong những không gian, thời gian cụ thể.
Nhiều cộng đồng học tập ngoại ngữ đã được hình thành và phát triển ở các các cấp học, các cơ sở giáo dục đào tạo, như mô hình CLB ngoại ngữ ở nhiều ĐH, CĐ; mô hình trại hè giao lưu, trao đổi văn hóa và học thuật với lưu học sinh, tình nguyện viên nước ngoài, các kỳ thi Olympic ngoại ngữ, thi hùng biện ngoại ngữ cho học sinh các cấp và sinh viên khối chuyên ngữ và không chuyên ngữ; mô hình một sinh viên chuyên ngữ kèm sinh viên không chuyên; mô hình các cuộc thi văn nghệ tiếng Anh như: ca hát, kịch, guitar, karaoke, chiếu phim...
TS.Vũ Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban thường trực BQL Đề án NNQG 2020