Cộng đồng hỗ trợ

GD&TĐ - Công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp, đã chứng minh hiệu quả trong can thiệp, giải quyết các vấn đề ở trường học tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên với Việt Nam, hoạt động này vẫn còn mới mẻ.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xã hội trường học, năm 2010, Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020. Từ đó, hoạt động công tác xã hội trong các nhà trường được quan tâm; đặc biệt sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Thông tư chỉ rõ các bước quan trọng triển khai hoạt động công tác xã hội trong nhà trường; từ rà soát, phát hiện nguy cơ; đến thiết kế, tổ chức hoạt động phòng ngừa; tổ chức can thiệp, trợ giúp khi học sinh có vấn đề xảy ra; cuối cùng là hỗ trợ phát triển, liên quan nhiều đến định hướng giá trị, kỹ năng sống, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh…

Điểm mạnh lớn nhất của công tác này là huy động được sự tham gia của nhiều nguồn lực trong, ngoài nhà trường để giải quyết các vấn đề của trường học. Với tính chất linh hoạt, tùy vào điều kiện thực tế, mỗi trường có cách làm riêng để xây dựng một cộng đồng hỗ trợ học sinh; trong đó có sự tham gia của đại diện ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, tổng phụ trách đội…; đồng thời huy động được sự tham gia của phụ huynh và các lực lượng khác trong cộng đồng, đặc biệt là Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em ở xã/phường…

Có thể nói, công tác xã hội trường học có vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, những vấn đề học sinh gặp phải nhiều hơn, đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn, dù được quan tâm bước đầu nhưng hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Hạn chế từ nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong trường; đến việc lúng túng khi tổ chức thực hiện, kể cả khâu rà soát phát hiện sớm vấn đề đến tổ chức các hoạt động phòng ngừa.

Đặc biệt, hoạt động phòng ngừa hầu như mới chỉ được thực hiện một cách cảm tính, chưa dựa vào kết quả rà soát phát hiện sớm, bởi vậy hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp, hỗ trợ học sinh còn yếu; đa số dùng các biện pháp mang tính kỷ luật mà chưa nhận thức rõ với vấn đề tâm lý gặp phải, học sinh cần sự can thiệp, hỗ trợ nhiều hơn…

Để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, trước hết cần có chương trình tập huấn nâng cao năng lực công tác xã hội trong trường học cho ban giám hiệu, các đầu mối làm công tác xã hội trong nhà trường, thậm chí là tất cả cán bộ, giáo viên.

Cũng cần có cẩm nang hướng dẫn về hoạt động công tác xã hội trong trường học, giúp các nhà trường, cán bộ dễ dàng hơn khi triển khai tổ chức hoạt động. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác xã hội trường học cũng không thể thiếu. Bởi chỉ khi nhận thức được đầy đủ vấn đề mới có thể quyết tâm thực hiện; để từ đó xây dựng các cơ chế vận hành hoạt động công tác xã hội trường học theo hướng chuyên nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.