Chuyên nghiệp hóa công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học

GD&TĐ - Trong 3 năm thực hiện, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và công tác xã hội trong trường học đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Ngày 22/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm việc thực hiện Thông tư 31 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33 về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Hội nghị được diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội kết hợp với gần 100 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục trong cả nước. Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Thông tư 31 đã tạo hành lang pháp lý cho công tác tư vấn tâm lý, góp phần giúp hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông hoạt động hiệu quả hơn và hình thành một mạng lưới trợ giúp học sinh trước những nguy cơ gặp khó khăn tâm lý trong học tập và cuộc sống.

Thông tư 33 cũng đã đã tạo hành lang pháp lý, góp phần giúp công tác xã hội (CTXH) trong trường học hoạt động hiệu quả hơn và hình thành một mạng lưới trợ giúp học sinh trước những nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật... từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội nghị

Nhiều Sở GD&ĐT đã chú trọng việc tư vấn tâm lý cho học sinh và nhiều nhà trường đã thực hiện lồng ghép tư vấn tâm lý thông qua các môn học, các hoạt động trải nghiệm giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm. Công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh, tổ chức, đoàn thể với các tổ chức xã hội ở địa phương ngày càng chặt chẽ.

Các hội thảo, tọa đàm, tập huấn về tư vấn tâm lý cho học sinh diễn ra với nhiều chủ đề, góp phần bồi dưỡng nhân lực cũng như trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn tâm lý. Các hội thảo, tọa đàm, tập huấn về CTXH trường học diễn ra với nhiều chủ đề, trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động CTXH trường học.

Tuy nhiên trong 3 năm triển khai thực hiện, các đơn vị, trường học, địa phương cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc như: Một số cán bộ quản lý các đơn vị trường học chưa nhận thức được vai trò quan trọng của tư vấn tâm lý nên vẫn còn tình trạng học sinh gặp khó khăn tâm lý cần hỗ trợ mà nhà trường không nắm được.

Hoạt động tuyên truyền tại nhiều địa phương chưa phong phú, việc cung cấp thông tin, tài liệu, trang bị cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh, giáo viên các kiến thức, kỹ năng, phương pháp phát hiện các trường hợp học sinh có khó khăn tâm lý và trách nhiệm thông báo, phối hợp giải quyết chưa đầy đủ, kịp thời.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị
Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Một số địa phương chưa bố trí được phòng tư vấn riêng cho hoạt động tư vấn tâm lý học sinh, hoặc được bố trí ở những khu vực chưa phù hợp. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý cơ bản còn làm kiêm nhiệm, kỹ năng tư vấn còn nhiều hạn chế, học sinh chưa thật sự mạnh dạn, chủ động trong việc tự nguyện đến gặp để tư vấn.

Thông tư 33 mặc dù đã được triển khai đồng bộ tại các địa phương song kết quả từ công tác này vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. Tại các địa phương, hiện tại chưa có biên chế cho nhân viên CTXH ở các nhà trường chính vì vậy cán bộ CTXH trường học hầu như chỉ là cán bộ kiêm nhiệm.

Công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh nhằm phát hiện tình trạng học sinh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hoạt động hỗ trợ, trợ giúp các nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm học sinh khuyết tật, nhóm học sinh vi phạm pháp luật, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Công tác hỗ trợ các nhóm học sinh này tại các cơ sở giáo dục còn nhiều hạn chế về nhân lực, biện pháp, kinh phí.

Hội nghị diễn ra tại gần 100 điểm cầu trong cả nước
Hội nghị diễn ra tại gần 100 điểm cầu trong cả nước

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhìn nhận đánh giá kết quả triển khai thực hiện 2 thông tư này trong thời gian vừa qua, chỉ ra những hạn chế tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế tồn tại này trong quá trình triển khai thực hiện. Các đại biểu cũng đã trao đổi thảo luận để xem xét khảo sát độc lập của nhóm chuyên gia về việc thực hiện 2 thông tư này tại 5 địa phương: TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Điện Biên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Trong 3 năm qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị, chuyên gia, các nhà khoa học triển khai tích cực Thông tư 31 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33 về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Triển khai 2 thông tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên kết quả đạt được chưa như mong muốn và những việc phía trước cần làm rất nhiều. Những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới qua ý kiến chuyên gia và ý kiến tham luận tại hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học; từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa các hoạt động này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ