Đến dự có ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), ông Trần Sĩ Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông, cùng 120 đại biểu đến từ các phòng chức năng của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh Đắk Nông
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Văn Linh cho biết: Trên thế giới, trong lịch sử phát triển của xã hội loài người ở bất cứ thời kỳ nào, với bất kể trình độ phát triển ra sao bao giờ cũng nảy sinh các vấn đề xã hội cần phải được quan tâm giải quyết. Các vấn đề xã hội trong mọi thời đại là hậu quả trực tiếp của quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Ngành công tác xã hội đã ra đời và phát triển như một ngành khoa học với việc ứng dụng các môn khoa học xã hội như: Tâm lý học, Xã hội học, Nhân chủng học, Kinh tế học… vào những hoạt động cụ thể với từng cá nhân, từng nhóm người trong xã hội để khắc phục các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành học này, năm 2004, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Khung chương trình đào tạo công tác xã hội ở trình độ cao đẳng, đại học. Đến nay cả nước đã có 55 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ cao đẳng và trình độ đại học, 4 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ thạc sĩ và 2 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ tiến sĩ.
Từ năm 2010, công tác hội đã được công nhận là một nghề chính thức tại Việt Nam với 3 mã nghề cơ bản là: Công tác xã hội viên chính; công tác xã hội viên; nhân viên công tác xã hội.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 và kể từ đó nghề công tác xã hội đã phát triển rất mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại và mới đây nhất ngày 25/3 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là ngày Công tác xã hội Việt Nam.
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã triển khai một số nội dung nhằm phát triển công tác xã hội trong trường học ban đầu là các cuộc hội thảo, tập huấn nhằm hình thành cơ sở khoa học cũng như đúc kết các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực CTXH trường học.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông. Năm 2018, Bộ trưởng đã phê duyệt ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Năm 2019, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Luật Giáo dục 2019, đã đưa các nội dung qui định cụ thể, yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục, thủ trưởng các cơ sở giáo dục và gia đình có trách nhiệm xây dựng trường học an toàn, lành mạnh… để làm tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung, người học tốt hơn.
Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 33 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, nhằm mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân; bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên việc triển khai thông tư 33 trong các nhà trường còn gặp một số hạn chế nhất định. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính là năng lực triển khai của các cơ sở giáo dục còn hết sức hạn chế, các kiến thức, kỹ năng của CTXH nói chung và công tác xã hội trường học nói riêng là một nội dung còn khá mới mẻ đối với các thầy cô giáo trong các nhà trường.
Tại hội thảo tập huấn, các huyên gia đến từ Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) trao đổi giúp các thầy cô hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai công tác xã hội trong trường học, đồng thời hướng dẫn các thầy cô giáo các kỹ năng thực hành công tác xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ trẻ em đặc biệt đối với các trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh yếu thế.