Nhiều người cho rằng, đã là giáo viên tức hội đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực sư phạm mới được phân công đứng lớp, nên không có khái niệm “giáo viên tốt”. Việc này, vô hình trung làm tổn thương đội ngũ thầy, cô giáo, thậm chí tạo áp lực cho các nhà trường và chính phụ huynh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thông tin trên đã phản ánh phần nào thực tế chọn trường, chọn lớp đang diễn ra ở nhiều nơi. Và nó chỉ như phần nổi của “tảng băng chìm”; bởi lâu nay, dư luận vẫn “rì rầm” chuyện “xin trường, chọn lớp” cho con, nhất là với học sinh tiểu học. Tình trạng “chọn cô”, “chạy lớp” được biến tướng dưới nhiều hình thức và trở thành làn “sóng ngầm” trong dư luận.
Luật Giáo dục 2019 đã quy định, cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật là hành vi bị nghiêm cấm và được quy định rõ trong Luật này. Bộ GD&ĐT cũng nghiêm cấm việc tổ chức thành lập lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, có giáo viên thẳng thắn nói: Quy định là vậy, nhưng các trường học phổ thông vẫn âm thầm làm theo nhiều cách khác nhau, miễn sao “sàng lọc” ra được lớp “mũi nhọn” hay còn gọi là lớp chọn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ lụy của việc vận động phụ huynh đóng tiền để “chọn giáo viên tốt” mà vừa qua mạng xã hội và báo chí đã phản ánh.
Vẫn biết, phụ huynh nào cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con em mình, nhất là trong học tập. Vì thế, nguyện vọng cho con được học giáo viên giỏi, có kinh nghiệm của phụ huynh có thể thông cảm được. Nhưng ai cũng chọn cách “đi cửa sau” sẽ tạo bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa trẻ.
Để khắc phục tình trạng “chạy lớp”, “chọn cô”, nhiều năm nay một số địa phương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức bắt thăm lớp và giáo viên chủ nhiệm thay vì phân công như trước. Việc bắt thăm lớp sẽ thực hiện với học sinh lớp 1, sau đó sẽ bắt thăm giáo viên chủ nhiệm ở tất cả lớp khối tiểu học.
Đơn cử như Nghệ An, từ năm học 2019 – 2020, chủ trương bắt thăm lớp, giáo viên chủ nhiệm được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Thay đổi này không chỉ nhằm thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh, mà còn bảo đảm công bằng, khách quan cho tất cả học sinh. Đồng thời, tránh tình trạng “chọn trường, chọn lớp” từng diễn ra trong những năm qua.
Hay như năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hải Dương nghiêm cấm các trường tiểu học thành lập lớp chọn dưới mọi hình thức. Sở này cũng yêu cầu cơ sở giáo dục không được thu tiền hoặc vận động cha mẹ học sinh đóng góp các khoản kinh phí ngoài quy định.
Công bằng trong giáo dục như một triết lý và là mục tiêu quan trọng cần được các trường, giáo viên cũng như phụ huynh thấm nhuần và nằm lòng. Việc không thừa nhận bất cứ sự tồn tại của lớp chọn nào trong tất cả cấp học, cũng như không quy định hoặc cho phép thi cử để xếp lớp chọn là điều cần thiết. Nếu trường nào vi phạm, còn để tình trạng lớp chọn tồn tại dưới mọi hình thức, cần được xử lý nghiêm minh.