Nỗ lực vì sự công bằng

Nỗ lực vì sự công bằng

Theo đó, ngoài thí sinh ở địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 (như Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố tỉnh Quảng Nam), cùng thí sinh thuộc diện F1, F2 phải lùi kỳ thi vào thời điểm thích hợp, còn lại các em sẽ dự thi tốt nghiệp THPT từ ngày 8 - 10/8.

Luật Giáo dục nêu rõ, học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định sẽ được dự thi tốt nghiệp. Nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, việc toàn ngành tập trung tổ chức tốt kỳ thi cũng là nỗ lực thực hiện đúng quy định pháp luật. Và sâu xa hơn nữa, đây cũng là cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh, công bằng trong giáo dục.

Phương án cho học sinh cả nước không thi để phòng dịch cũng từng được những người có trách nhiệm nghĩ tới và đề nghị xem xét, nếu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện kịp quy trình. Tuy nhiên, ngay cả phương án này cũng khó thể bảo đảm được quyền lợi của số đông thí sinh đang gửi gắm vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi thực tế cho thấy, dù các trường ĐH có rộng mở nhiều phương thức tuyển sinh thì tỷ lệ thí sinh chọn xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn đứng hàng đầu. Ngay như TP Đà Nẵng nơi tâm dịch, cũng có tới 85,67% thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi. Đặc biệt, với các trường quân đội, công an, khối ngành sức khỏe, nơi đậu - rớt chỉ phân biệt từng li nhỏ, thì kết quả một kỳ thi được bảo chứng chất lượng như Kỳ thi tốt nghiệp THPT là con đường tốt nhất bảo đảm sự công bằng.

Chính vì kỳ vọng vào đánh giá công bằng, khách quan của kỳ thi, suốt năm học qua, vượt qua bao khó khăn của dịch bệnh, vất vả học trực tuyến, miệt mài ôn luyện trong mùa hè nóng nực, học sinh lớp 12 của cả nước đã nỗ lực học hành, để hoàn thành ước nguyện thi cử. Vì thế, khi xã hội có ý kiến đề nghị bỏ thi, nhiều em bị tác động tâm lí rất lớn cho đến khi nhận được tin Bộ GD&ĐT chốt phương án thi mới trút được gánh nặng. Nhà giáo Liễu Hoàn (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình) chia sẻ: Biết thi trong mùa dịch gặp nhiều khó khăn. Nhưng học trò nhiều đứa nói thương lắm, nhất là các em có nguyện vọng vào trường ĐH tốp đầu. "Con luyện 3 năm để lấy kết quả kỳ thi này đăng ký xét tuyển ĐH. Nếu không thi, con chới với luôn cô ơi", một học sinh tâm sự.

Ứng phó nhanh với quyết định tổ chức kỳ thi thành 2 đợt của Bộ GD&ĐT, nhiều trường ĐH nhanh chóng vào cuộc, sớm có phương án đem lại công bằng cho thí sinh, nhất là thí sinh thi đợt 2. Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết sẽ tính toán tỷ lệ chỉ tiêu còn lại cho đợt 2. Trước đó, lãnh đạo Trường ĐH FPT cũng quyết định, ngoài chỉ tiêu cho đợt 1, trường sẽ dành chỉ tiêu cho các thí sinh vì dịch Covid-19 mà phải thi đợt sau. Bộ GD&ĐT ngày hôm qua cũng lưu ý các thí sinh dự kỳ thi tổ chức sau ngày 10/8 nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh vào đại học, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho các em.

Như vậy, trước những quyết định của Bộ GD&ĐT và các trường, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm để bước vào kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm học. Công việc cần nhất với các em bây giờ là thư giãn, giữ tâm lý, sức khỏe tốt nhất để bước vào cuộc thi. Toàn ngành, xã hội sẽ cùng chung tay để kỳ thi diễn ra đúng theo luật định, bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy trò trong mùa dịch; bảo đảm tính nghiêm túc, chất lượng, vì sự công bằng trong giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.