Tùy theo tình hình dịch bệnh có nơi sẽ tổ chức thi, nơi đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét đặc cách cho thí sinh. Các trường THPT đang tăng tốc công tác rà soát và lên danh sách thí sinh đăng ký thi, đăng ký xét đặc cách theo nguyện vọng cũng như các biện pháp hỗ trợ cần thiết khác.
Trước hướng xử lý của Bộ GD&ĐT đối với thí sinh chưa được thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vì dịch bệnh, đông đảo học sinh, phụ huynh, cán bộ giáo viên đều bày tỏ sự nhất trí, tin tưởng. Ai cũng ý thức rõ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mọi biện pháp đều phải cân nhắc yếu tố an toàn là trên hết.
Vấn đề phụ huynh, học sinh đủ điều kiện thi đợt 2 quan tâm nhất những ngày qua là quyền lợi tuyển sinh của các em. Làm sao để thí sinh thi đợt 2, thí sinh diện xét đặc cách tốt nghiệp vẫn có thể công bằng, bình đẳng ứng tuyển vào đại học theo nguyện vọng là trăn trở của không chỉ những người trong cuộc, mà cả với những ai quan tâm đến giáo dục.
Liên quan công tác xét tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã có văn bản cho biết sẽ điều chỉnh lịch để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả 2 đợt thi. Với các biện pháp kỹ thuật trong công tác tổ chức thi, cộng với việc xem xét xét tuyển một lần, quyền lợi tuyển sinh của thí sinh thi đợt 2 sẽ được bảo đảm.
Bộ cũng dự liệu, trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà kỳ thi đợt 2 được tổ chức muộn hơn nhiều, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung với thí sinh đã tham dự kỳ thi đợt 1, ngành sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng lớn tới kế hoạch năm học của các trường. Song song đó, Bộ cũng đề nghị ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM chuẩn bị phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào đại học đối với các thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp.
Cùng với sự quan tâm của Bộ, các cơ sở giáo dục đại học với sự tự chủ trong tuyển sinh sẽ linh hoạt đưa ra các phương án hỗ trợ thí sinh diện đặc cách. Những ngày qua, nhiều trường đại học đã tính toán xây dựng thêm phương thức tuyển sinh mới, dành chỉ tiêu cho thí sinh bị ảnh hưởng Covid-19. Trong đó, các trường định hướng đến việc sử dụng phương thức học bạ để xét tuyển đợt 2 hoặc sẽ sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia.
Dù lịch xét tuyển học bạ hay đánh giá năng lực cho thí sinh bình thường đã hết nhưng nhiều trường khẳng định vẫn sẽ rộng cửa phương thức này đón thí sinh diện đặc cách và xét tuyển bình đẳng theo các tiêu chí đã quy định. Thậm chí, một số trường cho biết sẽ ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh diện này.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, có đến 45% chỉ tiêu tuyển sinh cả nước là xét tuyển bằng các phương thức xét kết quả học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả đánh giá năng lực... Như vậy, tổng số chỉ tiêu cho nhóm phương thức tuyển sinh ngoài phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp khá lớn.
Cùng với chỉ đạo, định hướng của Bộ GD&ĐT, sự chủ động mở rộng các phương thức của trường đại học, động viên, tư vấn hỗ trợ của thầy cô trường phổ thông, quyền lợi tuyển sinh với thí sinh bị ảnh hưởng Covid-19 chắc chắn sẽ được bảo đảm ở mức tốt nhất.
Thí sinh F1, F2, các vùng phải thực hiện Chỉ thị 16, vùng phong tỏa không chỉ phải gánh chịu các điều kiện khó khăn, hạn chế của cách ly hoặc dịch bệnh, mà còn phải lo lắng cho việc ôn tập, thi cử, sợ lỡ dở việc học hành. “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Không để thí sinh nào bị bỏ lại phía sau”… không phải là những cụm từ hô hào, khẩu hiệu suông, mà được hiện thực hóa bằng những quyết sách và việc làm cụ thể.
Nỗ lực của toàn ngành với thí sinh bị ảnh hưởng Covid-19 không chỉ bảo đảm quyền lợi tuyển sinh cho các em, công bằng giáo dục, mà còn là giải pháp đặc biệt nhân văn.