Công bằng trong thụ hưởng giáo dục

GD&TĐ - Chủ động rà soát điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ, các trường học, nhất là ở địa bàn vùng khó đã linh hoạt giải pháp tháo gỡ để đảm bảo học sinh khối lớp 3 vẫn được học môn Ngoại ngữ và Tin học.

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Cùng với lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, các địa phương đã lên kế hoạch cải thiện điều kiện dạy – học, đầu tư cơ sở vật chất theo hình thức cuốn chiếu để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nỗ lực xóa các điểm trường lẻ, dồn dịch điểm trường từ cách đây vài ba năm học ở địa phương vùng khó là chiến lược dài hơi để trường tiểu học triển khai có chất lượng việc dạy – học 2 môn Ngoại ngữ và Tin học cho khối lớp 3.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tiến hành dồn dịch học sinh các điểm trường lẻ vài năm nay. Từ 9 điểm trường, đến nay trường chỉ còn 1 điểm chính và 1 điểm trường thôn.

“Chúng tôi đã vận động, tuyên truyền để phụ huynh đưa HS về ở bán trú tại điểm trường chính. Phụ huynh của mỗi thôn sẽ cắt cử nhau để đưa, đón toàn bộ HS của thôn mình vào đầu và cuối tuần. Điều kiện cơ sở vật chất được cải thiện, học sinh ở lại trường được thầy cô giáo hướng dẫn thêm trong giờ tự học… nên chất lượng giáo dục cải thiện rõ rệt” – thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng cho biết. Đây là điểm quan trọng nhất để phụ huynh đồng lòng ủng hộ chủ trương sáp nhập các điểm lẻ của trường. Vì vậy, dù là trường học ở địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng 100% học sinh của trường đều được học Anh văn từ lớp Một.

Mặc dù là huyện miền núi cao, nhưng các điểm trường lẻ của Sơn Tây (Quảng Ngãi) vẫn có thể triển khai dạy học Tin học như các điểm trường chính. Theo ông Bùi Thế Giới, Trưởng phòng GD&ĐT, ở những điểm trường lẻ nếu điều kiện phòng ốc không đảm bảo, không thể trang bị máy tính để bàn thì GV có thể sử dụng máy tính xách tay được chuyển từ điểm trường chính sang. Trong trang bị máy vi tính cho các trường hàng năm, ngoài máy tính bàn, còn có cả máy tính xách tay nên thuận tiện trong di chuyển.

Các điểm trường lẻ của huyện Sơn Tây đều không còn tình trạng lớp ghép và chỉ có 18 điểm trường trong tổng số 9 trường tiểu học. Khi tiến hành quy hoạch mạng lưới trường lớp, với những điểm trường mà khoảng cách không quá xa, đường sá thuận tiện, huyện đã chủ trương đưa học sinh về điểm trường trung tâm để tổ chức bán trú, cuối tuần các em mới về nhà.

Ngành GD-ĐT Quảng Trị cũng rà soát đội ngũ giáo viên Tin học và Anh văn để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3. Theo đó, về căn bản, chỉ có 2 địa bàn vùng núi là Hướng Hóa và Đakrông còn một số trường chưa có phòng học ngoại ngữ. Một số điểm trường lẻ xa trung tâm có quy mô nhỏ phải thực hiện ghép lớp nên khó triển khai dạy học tiếng Anh. Trước mắt, Phòng GD&ĐT Hướng Hóa tiến hành sắp xếp linh hoạt các cụm trường, bố trí lớp học để bảo đảm đủ giáo viên, không để học sinh bị thiếu lớp học. Cụ thể, bố trí, điều tiết giáo viên trong vùng, dồn dịch các điểm trường để giảm số lớp và giáo viên, tuyển giáo viên hợp đồng theo định mức biên chế còn thiếu…

Sự chủ động và nỗ lực của các trường học vùng khó trong đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 là một tín hiệu cho thấy ngành Giáo dục luôn hướng đến mục tiêu mọi học sinh đều có quyền bình đẳng về điều kiện và cơ hội học tập. Để tạo công bằng trong hưởng thụ giáo dục giữa học sinh các trường, vùng miền, ngành huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, chất lượng giáo viên. Học sinh miền núi sẽ tự tin rê chuột, kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài nhờ công nghệ thông tin. Đáp ứng điều kiện học tập ở mức căn bản cho học sinh các vùng miền là cách để trẻ bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ