Con thi cha mẹ cũng thi

Nhà có hai đứa con, hết lo cho đứa lớn lại đến đứa nhỏ. Mỗi khi đến kỳ thi của con cũng chính là kỳ thi của vợ chồng tôi...

cha mẹ nên trò chuyện và đồng hành cùng con
cha mẹ nên trò chuyện và đồng hành cùng con

Hằng ngày, hằng đêm vợ chồng tôi đều thúc con cái học, động viên rồi đầu tư sách vở, cho đi học thêm và mời cả gia sư cho con nữa, có khi tôi còn ngồi bên để động viên con học, con đi ngủ tôi mới dám lên giường. Nhưng dường như mọi sự cố gắng của chúng tôi đều... đổ bể.

Con gái đầu thi trượt vào lớp 10. Không đành lòng để con thất học, vợ chồng tôi đi “cửa sau”, chạy chọt người quen để con đủ điểm vào học một trường bán công. 

Có lẽ nhìn thấy bố mẹ sẵn sàng chi tiền nên con cứ ì ra, không chịu vận động, cứ trông chờ vào túi tiền và mối quan hệ của bố mẹ. Cũng có thể do cháu tự thấy năng lực kém nên dù có muốn cũng không thể bứt phá lên được.

Nhìn kết quả học tập sau mỗi học kỳ của con (trong ba năm THPT), chồng tôi thở dài: “Học hành thế này thì đỗ tốt nghiệp với vào đại học sao được hả con?”. 

Con gái tôi thản nhiên nói: “Thì bố chạy trước cho con đi”. Nghe con nói vậy, tôi giật mình nhưng đúng là chẳng còn giải pháp nào hơn thế.

Lại thêm một lần nữa vợ chồng tôi “muối mặt” đi tìm con đường sáng cho con. Năm ấy con gái vừa đủ điểm đỗ tốt nghiệp THPT. Ơn trời, vợ chồng tôi mừng như bắt được vàng. 

Lại bằng mối quan hệ của chồng tôi, con gái tôi vào học một trường đại học ngay tại Hà Nội. Tôi biết không phải con đang thi thố mà chính bản thân phụ huynh là chúng tôi đang phải gồng mình lo cho con, “thi” hộ con.

Lại đến cậu con trai út. Ngay từ tiểu học, con tôi thường xếp thứ 29/32 của lớp. Lần nào đi họp phụ huynh, vợ chồng tôi cũng đùn đẩy nhau vì không muốn nghe cô giáo phê bình con. 

Vì con tiếp thu chậm lại lười học nên thi thoảng cô giáo gửi giấy về cho phụ huynh. 

Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết được cảm giác ê chề của chúng tôi. Nhìn con nhà người ta thi đỗ, học trường cao, còn con mình nếu không được bố mẹ “giúp sức”, dù sự giúp sức đó là giả dối đi chăng nữa, thì sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì. 

Thế là hết lần này đến lần khác, vợ chồng tôi “chạy đua” cùng con. Tôi hiểu đứa nhỏ rồi sẽ lại đi vào “bước chân” của đứa lớn, sẽ lại bám vào bố mẹ, sẽ lại để bố mẹ “thi”. 

Mệt đấy mà tôi vẫn phải cười. Có lúc thấy mình sao “sính hình thức” quá. Nhưng rồi chỉ sau đó thôi, tôi đành chép miệng: “Tất cả vì tương lai của các con”.

Có lẽ các con đã không biết rằng có lúc bố mẹ đã rất nhục nhã vì bị thầy cô giáo nói thẳng: “Anh chị đã làm hư con anh chị rồi đấy. Cứ như vậy đến bao giờ chúng nó mới lớn được?”; rồi “Anh chị đừng có cậy đồng tiền”... 

Đêm ấy tôi lại mất ngủ. Phải chăng lo cho con, “thi” thay cho con, chạy chọt cho con là vô tình chúng tôi đã tự làm hại con mình?

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...