Con mắc bệnh tự kỷ, cha mẹ đừng tự trách mình

GD&TĐ - Cũng như nhiều bệnh mãn tính khác, tự kỷ diễn biến âm thầm trở thành nỗi sợ với bất cứ gia đình nào có con không may mắc bệnh. 

Con mắc bệnh tự kỷ, cha mẹ đừng tự trách mình

Nhiều năm nay, không ít người vẫn quan niệm con tự kỷ do cha mẹ không quan tâm, phó mặc con cho giúp việc. Cũng có người đổ tại cho thiết bị công nghệ. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy, cha mẹ hãy thôi tự dày vò mình bởi bệnh liên quan đến yếu tố gen chứ không phải do quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Sự thật phũ phàng

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1% dân số toàn cầu mắc chứng tự kỷ. Ở nước ta, thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, con số trên xấp xỉ 200 ngàn người.

Còn theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ mắc bệnh được chẩn đoán ngày một nhiều. Năm 2007, số trẻ có hội chứng trên đến khám tăng gần 50 lần so với năm 2000. Tỷ lệ người mắc gia tăng nhanh nhất (từ 122% lên 268%) tập trung vào các năm 2004 đến 2007.

Với thâm niên hơn 10 năm đồng hành với con mắc bệnh tự kỷ, chị N.T.V (Nam Định) trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, trong đó phần lớn là hụt hẫng, tuyệt vọng.

Chị cho biết: Bé là con thứ 2 của vợ chồng nên ngay từ lúc mang bầu đến khi sinh và nuôi bé, hai vợ chồng đều có kinh nghiệm, thậm chí bé còn được mẹ dành nhiều thời gian chăm sóc hơn, được thụ hưởng các điều kiện về vật chất tốt hơn chị của mình. Nhưng trái ngược với bé đầu, ngay từ chào đời, bé đã khó nuôi bởi quấy khóc bất kể ngày đêm, ăn uống khó khăn. Đặc biệt, bé gần như không có biểu hiện vui mừng khi thấy mẹ và người thân…

Linh cảm người mẹ mách bảo, chị đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám khi bé được 2 tuổi. “Khi bác sĩ thông báo cần gặp riêng, tôi biết có chuyện chẳng lành nhưng cũng không nghĩ con mắc bệnh tự kỷ”, chị N.T.V chia sẻ. Từ đó, cuộc sống của chị gắn liền với việc nghiên cứu tài liệu, theo dõi các diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm với bà mẹ cùng hoàn cảnh.

Cũng trong cảnh tự dày vò mình vì cho rằng do mình không yêu con, không chăm sóc nên đứa con duy nhất mới bị bệnh, chị H.T.H (Hà Nội) mất một thời gian dài để lấy lại tinh thần, cân bằng cảm xúc.

Bỏ qua lời gièm pha của thiên hạ, của người thân, chị sắp xếp lại cuộc sống, công việc, cân bằng tài chính để chính thức cùng con bước vào cuộc chiến mới.

Sau gần 10 năm đồng hành cùng con và được sự hỗ trợ của bác sĩ, chuyên gia tâm lý, phục hồi chức năng, giờ chị H.T.H đã “mạnh dạn” để con một mình tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ với bạn cùng cảnh ngộ hoặc tự tin khi giao việc nhà cho con mà không còn cảm giác lo sợ.

Cần lắm sự cân bằng cảm xúc

Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, nhưng khoa học đã chứng minh tự kỷ là một dạng khuyết tật, liên quan đến gen và những ảnh hưởng của nó sẽ đi theo bệnh nhân suốt cả cuộc đời. Do vậy, khi biết con mắc bệnh, nhiều người thường tự dày vò mình.

Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh (khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương), đây là quan niệm sai lầm bởi bệnh có từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Ở mỗi trẻ, thời gian phát bệnh có thể sớm hoặc muộn nhưng chậm nhất khi trẻ 3 tuổi mọi biểu hiện khá rõ ràng.

Do vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, thay vì tuyệt vọng hay tự dày vò bản thân, các bậc phụ huynh cần xác định tư tưởng, chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động can thiệp của trẻ.

Thực tế cho thấy, những bà mẹ nào có kiến thức, suy nghĩ và sống tích cực thì kết quả điều trị của con khả quan hơn. Đây là lý do Liên Hiệp Quốc chọn một ngày trong năm là Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ để mọi người dân biết về bệnh. Ở nước ta, các câu lạc bộ trẻ tự kỷ, gia đình có con tự kỷ cũng được thành lập.

Nhiều bà mẹ coi các buổi sinh hoạt, giao lưu ở câu lạc bộ như cứu cánh bởi tại đây họ được trải lòng về những khó khăn trong hành trình chiến đấu với bệnh tật cùng con. Ở đây họ cũng học hỏi thêm được kinh nghiệm chăm sóc, chơi với con và được chứng kiến con và các bạn đồng cảnh ngộ trưởng thành. Những tiến bộ của trẻ, dù chỉ là nhỏ nhặt với người khác nhưng cũng đủ để làm các mẹ vui, có thêm động lực cùng con phấn đấu.

Sốc là cảm giác đầu tiên bất cứ bà mẹ nào gặp phải khi nhận thông báo của bác sĩ cho dù trước đó họ đã có linh cảm về việc con mình mắc bệnh. Sau sốc là lo sợ. Lo cho tương lai của con. Lo không biết bản thân có đủ sức đồng hành cùng con, có chịu được sự dèm pha của người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.