Hiệu quả từ xã hội hóa giáo dục trẻ tự kỷ

GD&TĐ - Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 6 cơ sở giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK). Các cơ sở này nằm chủ yếu ở thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp. Điều đáng chú ý là các cơ sở đều của tư nhân, trung tâm, công ty và cơ sở can thiệp trong trường mầm non.

Hiệu quả từ xã hội hóa giáo dục trẻ tự kỷ

Thực trạng việc can thiệp sớm và học hòa nhập

Giáo dục cho trẻ RLPTK hiện nay ở Ninh Bình chủ yếu là tư vấn, đánh giá, hỗ trợ, can thiệp sớm cho các trẻ bị rối loạn phát triển, chậm ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, phát triển kỹ năng giao tiếp… Tại các cơ sở giáo dục trẻ RLPTK cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của trẻ và nguyện vọng của phụ huynh.

Tại Trung tâm Thiên thần nhỏ là cơ sở can thiệp ra đời sớm và có quy mô lớn nhất hiện nay ở tỉnh Ninh Bình được nhiều phụ huynh tin yêu gửi con. Từ khi ra đời đến nay, Trung tâm hỗ trợ giáo dục, can thiệp trị liệu cho hàng trăm trẻ bị rối loạn phát triển, rối loạn các khả năng, khó khăn trong học tập, sinh hoạt… Đối tượng học tập, tham gia can thiệp ở Trung tâm hầu hết là trẻ trong độ tuổi từ 20 tháng tuổi đến 6 tuổi.

Việc can thiệp sớm cho trẻ RLPTK, tại Trung tâm đã đem lại nhiều kết quả khả quan, đem lại niềm tin cho nhiều phụ huynh. Đơn cử: Trường hợp cháu T.A ở thành phố Ninh Bình, mẹ làm kinh doanh, cháu 9 tuổi chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ rất nặng, khả năng tự phục vụ không có. Về khả năng ngôn ngữ cháu có bi bô nói nhưng không chuẩn, không chủ động hành vi, không kiểm soát được cảm xúc – cảm xúc bất thường…

Sau quá trình can thiệp 7 năm liên tục tại Trung tâm Thiên thần nhỏ (thành phố Ninh Bình) cháu đã có ngôn ngữ, có kĩ năng gọt hoa quả, nhặt rau, phơi khăn, phơi đồ với sự trợ giúp của người lớn. Gia đình và người thân của cháu rất phấn khởi và hy vọng cháu sẽ có tiến triển tốt.

Trường hợp thứ 2 là cháu B.L, 26 tháng tuổi cũng ở thành phố Ninh Bình. Do cháu chậm phát triển, gia đình đã đưa cháu lên bệnh viện Nhi Trung ương khám. Các bác sĩ ở đây kết luận: Cháu bị “Mất ngôn ngữ, giảm chú ý” và giới thiệu cháu về Trung tâm Thiên thẩn nhỏ để trị liệu.

Sau khi được các thầy cô, bác sĩ tâm lí, tại Trung tâm can thiệp theo chương trình riêng. Chỉ trong 2 tuần đầu cháu đã bắt được âm, sau đó nói được. 3 tháng sau đó cháu có thể hòa nhập cộng đồng.

Theo bà Vũ Thị Phượng, Giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất – Tâm lí, Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Có thể thấy trên địa bàn tỉnh Ninh Binh có 6 dạng tật được phân loại thì số trẻ RLPTK chủ yếu nằm trong dạng tật: Vận động, nghe, nói, nhìn, trí tuệ, ngoài ra còn có một số tật khác. Trong số trẻ mắc bệnh RLPTK thì số trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ và đều học theo chương trình giáo dục hòa nhập ở trường MN và chương trình phổ thông ở trường tiểu học, THCS.

Cần phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường

Bà Vũ Thị Phượng, Giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất – Tâm lí, Trường Đại học Hoa Lư: Gia đình, nhà trường và cộng đồng cần nâng cao nhận thức để có nhận thức đúng về tình trạng trẻ RLPTK; Cần chú ý quan sát thường xuyên các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của trẻ để sớm nhận biết bệnh để tác động phù hợp.

Khi phát hiện bệnh của con cha mẹ không nên dấu diếm mà chủ động phối hợp với giáo viên, với Nhà trường để cùng trao đổi về tình trạng của con mình mà tìm hướng điều trị. Chủ động tìm kiếm các cơ sở giáo dục thích hợp cho trẻ tham gia hoạt động với cộng đồng để trẻ phát triển bình thường.

Bên cạnh đó nhà trường và các tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ RLPTK cần chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, giáo viên có trình độ hiểu biết về trẻ RLPTK để có phương pháp giáo dục phù hợp; Tăng cường tuyên truyền, phối kế hợp với gia đình, các tổ chức, các nhân chung tay hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ.

Mỗi địa phương cần tuyên truyền sâu rộng, thiết lập một hệ thống các mô hình can thiệp sớm (tại gia đình, bệnh viện, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ hòa nhập). Làm sao, đáp ứng nhu cầu được can thiệp sớm cho trẻ RLPTK ở địa phương.

Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ, giáo viên, những người làm công tác giáo dục trẻ RLPTK, cần đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy, học và hoạt động đối với nhà trường và cơ sở giáo dục có trẻ RLPTK, chính sách hỗ trợ cho trẻ RLPTK nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ RLPTK, hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Café chủ nhật: Thói quen... 'cướp lời'

GD&TĐ - Trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết chúng ta đều đã gặp phải tình huống đối diện với một người mắc chứng “nói không dừng lại được”.