Về cái ăn, cái mặc, người dân ở Púng Bon không phải lo chạy từng bữa như trước nữa do đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Không chỉ xóa được cái đói, ở Púng Bon, có những hộ gia đình đã vươn lên làm giàu ngay tại chính mảnh đất miền biên viễn xa xôi này.
Từng bước thay đổi diện mạo
Bản Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, Điện Biên) được xem là một trong những địa bàn tập trung nhiều đồng bào dân tộc Cống sinh sống nhất bởi chỉ riêng tại bản biên giới này đã có 54 hộ với 251 nhân khẩu.
Trước đây, cộng đồng người Cống ở bản Púng Bon nằm tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, cuộc sống tự cung, tự cấp. Để có nguồn lương thực, thực phẩm người Cống phải hái lượm trong rừng, trên núi, dưới suối, dưới khe.
Nhớ về quá khứ với những năm tháng sống “lẩn quất” trong rừng, trên núi cao, ông Lò Văn Hiệp (bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) kể lại: “Gần 20 năm trước, cứ vào mùa này, mọi người chỉ biết đi đào củ mài, củ sắn ăn thôi. Sông Nậm Núa chảy dưới chân núi qua bản cũng có nhiều cá, tôm nhưng dân bản không bắt được nhiều vì chưa biết đan lưới.
Hàng chục năm trước, trong bản không có ai biết chữ cả. Khi đó, dù là vào ban ngày nhưng bản làng vắng người lắm vì mọi người toàn đi vào rừng để hái củ, quả, bẫy bắt những thú nhỏ về làm thực phẩm. Có những chuyến đi kéo dài hàng tháng mới ra lại bản. Cuộc sống lúc đó của bà con dân tộc Cống chúng tôi khổ và nghèo lắm”.
Trước kia là thế nhưng theo lời một vị cán bộ xã Pa Thơm thì Púng Bon giờ đây thay đổi nhiều lắm nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà mới nhất là thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1719). Đoạn đường từ trung tâm xã đến bản làng bây giờ đều đã được cứng hóa. Trước đây, nếu như Púng Bon được biết đến là một bản biên giới nằm biệt lập thì hiện tại, cây cầu treo kiên cố vắt ngang qua dòng sông Nậm Núa đã giúp cho những người dân đồng bào dân tộc Cống ở đây kết nối dễ dàng với cuộc sống bên ngoài
Dẫn tôi đi thăm một vòng Púng Bon, ông Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ bản hồ hởi giới thiệu về những đổi thay của các hộ dân. Đó là những căn nhà kiên cố, vững chãi lợp mái màu xanh, đỏ.
Đó là những con đường đất chạy dọc bản giờ đã được cứng hóa bằng bê tông. Điều đáng mừng nhất đó là tỉ lệ hộ nghèo giảm đều qua từng năm và cuối cùng là người dân khu vực khác không gọi Púng Bon với cái tên “điểm nóng về ma túy” của huyện Điện Biên.
“Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà giờ đây tất cả người Cống ở Púng Bon đều có cơm ăn, áo mặc, cuộc sống no ấm, đường sá khang trang rất thuận tiện cho việc đi lại. Nếu như cách đây vài năm, Púng Bon có đến hơn 20 người nghiện ma túy thì con số này hiện đã giảm xuống còn 9 người. Những người này đều đã được gia đình phối hợp cùng chính quyền đưa đi cai nghiện và có kết quả tốt”, ông Liên hồ hởi cho biết.
Về cái ăn, cái mặc, người dân ở Púng Bon không phải lo chạy từng bữa như trước nữa do đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Không chỉ xóa được cái đói, ở Púng Bon, có những hộ gia đình đã vươn lên làm giàu ngay tại chính mảnh đất miền biên viễn xa xôi này.
Tiêu biểu cho sự thay đổi tư duy, quyết tâm thoát nghèo là gia đình ông Lò Văn Mọng. Nếu như trước đây, hộ gia đình ông Mọng luôn trong danh sách hộ nghèo của bản và từng phải vật lộn với cái đói triền miên trong những tháng giáp hạt. Thế nhưng, nhờ được hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhất là Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên đã mở ra cho ông một con đường sáng để thoát nghèo.
Theo đó, ông Mọng đã sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng để chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Chưa dừng ở đó, ông còn mạnh dạn đầu tư máy móc để khai khẩn ruộng hoang, bỏ công chăm chỉ trồng cấy cây lúa nước mỗi năm hai vụ.
Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, kết hợp với sự chăm chỉ, chịu khó, đến nay, gia đình ông trồng được 5.000m2 lúa nước, 1ha lúa nương, nuôi cả đàn trâu, bò hàng chục con và ao nuôi cá trắm, rô phi, lăng, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, đem lại nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Với thu nhập trên, gia đình ông Mọng đã dựng được căn nhà to đẹp, khang trang vào diện nhất bản.
Púng Bon “đoạt tuyệt” với tảo hôn
Chị Nạ Thị Bun năm nay mới gần 36 tuổi nhưng đã có hai người con lớn đang theo học THPT. Cách đây nhiều năm trước, chị Bun là một trong số những trường hợp tảo hôn ở Púng Bon.
Khác với người Mông, dù người Cống không có tục bắt vợ nhưng tình trạng tảo hôn hàng chục năm trước vẫn xảy ra do đặc điểm sản xuất kinh tế nông nghiệp, gia đình nào cũng cần nhiều sức lao động. Năm 14 tuổi, sau khi được người thương bày tỏ tình cảm, chị Bun gật đầu.
Đám cưới của hai “đứa trẻ” khi ấy được tổ chức với sự đồng ý của hai bên họ hàng. “Sau này lớn lên, mới thấy kết hôn sớm, không có chữ vất vả quá nên nhà mình phải cố gắng để cho con cái đi học chứ không thể như bố mẹ chúng như trước được”, chị Bun giãi bày.
Theo chị Nạ Thị Dung (26 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Púng Bon) thì nhiều năm trở lại đây không có trường hợp tảo hôn trong cộng đồng. Phụ nữ ở Púng Bon cũng thường xuyên được tham dự các buổi thảo luận về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nên nhận thức khá đầy đủ về tác hại suy giảm nòi giống, kinh tế, sức khỏe của nạn tảo hôn.
Bên cạnh đó, theo chị Dung, việc chính quyền tạo điều kiện xây dựng cây cầu treo bắc qua dòng sông Nậm Núa là một trong những yếu tố then chốt góp phần giúp những người phụ nữ dân tộc Cống kết nối với bên ngoài để nâng cao nhận thức về văn hóa, xã hội và học hỏi được những kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội.
“Trước đây, người dân ở bản Púng Bon bị chia cắt bởi con sông Nậm Núa. Mùa nước cạn, người dân có thể đi bộ di chuyển qua sông để xuống huyện hoặc trung tâm xã giao thương hàng hóa.
Thế nhưng, khi mùa nước dâng lên, nước sông cuồn cuộn chảy rất nguy hiểm nên có khi cả vài tháng người dân không ra ngoài được. Từ khi có cây cầu treo, người dân thoải mái đi lại, dễ dàng di chuyển bằng xe máy xuống xã, huyện để mua bán, trao đổi, giao lưu với thế giới bên ngoài nên đời sống càng ngày càng tân tiến”, chị Dung chia sẻ.
Đồng bào người Cống là một trong những dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền tỉnh Điện Biên. Ngày 28/2/2012, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành và phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2011 - 2020. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Cống đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống còn 50% (2020).
Trong đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, giao thông đảm bảo lưu thông quanh năm, trường lớp cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dạy và học. Các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ điều kiện sống, phát triển sản xuất, văn hóa thông tin, y tế, giáo dục... được thực hiện đầy đủ đúng chế độ. Sau gần 10 năm thực hiện, Đề án này đã tiếp sức cho người Cống ở Púng Bon vươn lên, cuộc sống nhiều khởi sắc.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, qua thời gian thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên và nhiều chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 mà đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống nói chung, tại bản Púng Bon nói riêng cơ bản được nâng lên, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu
Bà con đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán, đa số đồng bào được tiếp cận các dịch vụ cơ bản: Y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy...
Sự thay đổi diện mạo đời sống của người Cống đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo được lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống
Bên cạnh đời sống vật chất, người Cống còn có đời sống tinh thần phong phú thông qua trang phục, các phong tục tập quán, lễ hội. Trong đó, Tết hoa mào gà là độc đáo nhất bởi đây là nghi lễ trong ngày tết cổ truyền của người Cống.
Các nghi lễ diễn ra trong Tết hoa mào gà ngoài yếu tố linh thiêng còn có sự tham gia của các yếu tố nghệ thuật trình diễn dân gian nên cuốn hút cả cộng đồng. Đồng bào Cống cùng hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh, các quan thổ thần thổ địa đã phù hộ cho họ một năm có sức khỏe và mùa màng tươi tốt, đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới.
Lễ được tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch - sau khi thu hoạch vụ mùa, công việc nương rẫy tạm gác lại để chuẩn bị đón mừng năm mới. Đồng bào quan niệm kết thúc vụ mùa có nghĩa là kết thúc một năm cũ. Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Trước đây, Tết diễn ra từ 3 - 4 ngày, nay rút ngắn lại chỉ còn 1 ngày 1 đêm.
Già làng thường kiêm thầy cúng, địa điểm diễn ra lễ cúng cho Tết hoa tổ chức ngay tại nhà già làng. Trước khi lễ diễn ra 1 tuần, thầy cúng chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản).
Ngày diễn ra lễ cúng của Tết hoa, già làng phát lệnh cấm bản (người trong và ngoài bản không được tự do ra vào bản), nếu ai làm trái lệ làng người Cống quan niệm sẽ bị ốm đau và gặp nhiều điều không may mắn.
Theo ông Lò Văn Liên, người Cống quan niệm hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm - dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp khắp không gian lễ hội, bản làng...
Lễ vật mỗi gia đình mang đến làm lễ là 1 con gà trống nhỏ, trọng lượng tùy theo từ 0,5 – 1 kg/con và 1 chai rượu. Mâm cúng được đặt ngay ngắn dưới gốc cây hoa, lễ vật gồm những chai rượu đặt trên bàn cúng và những con vật dâng lễ hiến sinh đặt dưới chân mâm cúng.
Sau những hồi trống, chiêng âm vang khắp bản mường là báo hiệu lễ cúng của Tết hoa mào gà bắt đầu. Thầy cúng ngồi trước mâm cúng, kính cẩn mời các thần linh, tổ tiên về dự lễ; xin phép tổ chức Tết hoa mào gà cho bản; dâng lễ vật lên các đấng thần linh, tổ tiên.
Thầy thay mặt dân bản báo cáo tình hình thu hoạch mùa màng, chăn nuôi gia súc, sức khỏe của bà con trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gà, lợn đầy chuồng và cầu cho mọi sự tốt lành may mắn đến khắp bản mường.
Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Trai gái cả bản, cả mường cùng hân hoan trong điệu xòe, họ cùng hát những làn điệu dân ca truyền trống. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này.
Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời, nhịp trống chiêng, điệu xòe hoa rộn ràng như chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng đến gần hơn. Sau một đêm nhảy múa tưng bừng, đến sáng sớm hôm sau, các chàng trai người Cống khỏe mạnh tập trung so tài trong các môn thể thao truyền thống của dân tộc Cống như đánh cù, đẩy gậy, kéo co...
Tết hoa mào gà là lễ hội cổ truyền đặc sắc mà không phải tộc người nào cũng có, nếu như không nói là rất hiếm. Hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời tiêu biểu đó được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với sự phát triển của các hình thái xã hội người Cống và phản ánh sinh động đời sống và bản sắc tộc người.
Là 1 trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Cống là một dân tộc ít người, nằm trong danh sách cần được bảo tồn. Theo thống kê, đến nay, tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Cống có hơn 200 hộ với hơn 900 nhân khẩu. Đồng bào người Cống cư trú ở 6 bản thuộc 3 huyện của tỉnh Điện Biên là các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên.