Thoát nghèo nhờ nuôi cá sạch

GD&TĐ - Người dân sinh sống trên lòng hồ sông Đà, (phường Thái Bình, TP. Hoà Bình) đã thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng, cuộc sống ngày càng khá giả.

Nhờ nuôi cá sạch, cá lồng của chị Sen lúc nào cũng đông khách đến mua.
Nhờ nuôi cá sạch, cá lồng của chị Sen lúc nào cũng đông khách đến mua.

Bỏ nương xuống nước...

Trước kia, bà con ven lòng hồ sông Đà chỉ biết trồng ngô, sắn, lúa và đánh bắt cá ngoài tự nhiên là chủ yếu, chứ chưa biết tận dụng lòng hồ nuôi cá với số lượng lớn. Hiện nay, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ban, ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền vận động, nghề nuôi cá lòng hồ sông Đà đã trở thành hướng đi mới, giúp nhiều nông hộ có cuộc sống sung túc và thoát nghèo.

Nuôi cá lồng đang ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay có một số hộ đã chọn lối đi riêng, nuôi cá lồng theo hướng sạch, hạn chế dùng cám và chỉ cho cá ăn cỏ voi, lá chuối… Bằng những việc làm hay này, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, nay đã thoát nghèo nhờ nuôi cá sạch.

Trong chuyến tác nghiệp trên lòng hồ Hoà Bình, chúng tôi được tận mắt thấy những lồng nuôi cá trải dài trên sông với nhiều lồng cá to, nhỏ khác nhau. Trong khi hàng trăm nhà bè trên lòng hồ chọn hướng nuôi cá công nghiệp lớn nhanh và nhàn thì chị Xa Thị Sen, ở xóm Vôi (phường Thái Bình (TP Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình) chọn hướng đi riêng. Chị nuôi cá chỉ cho ăn cỏ, tuy chậm lớn nhưng được giá và nhiều người chọn mua.

Chị Sen đang cho cá lồng ăn cỏ.

Chị Sen đang cho cá lồng ăn cỏ.

Vận động mãi chị Sen mới đồng ý bán cho chúng tôi 2 con cá trắm cỏ trong lồng. Chị bảo: “Lứa cá này còn vài chục con nhưng khách đặt tiền mua hết rồi. Anh vượt đường dài đến đây mua nên tôi để lại cho anh 1, 2 con”. Nói rồi chị chèo thuyền chở chúng tôi ra lồng bè nuôi cá, nhân tiện mang cỏ cho cá ăn. Khi chị ném cỏ xuống, đám cá quẫy ùm ùm khuấy động mặt nước. Hiện chị nuôi lồng cá với phương pháp nuôi gối nên gần như lúc nào cũng có cá bán. Trung bình 1kg cá được chị bán với giá 90.000 đồng/kg, mỗi con cá giá trị 300 - 400 nghìn đồng.

Nhà chị Sen ngay sát đường, dưới là lòng hồ đẹp tựa như một homestay. Cả vườn và nhà rộng hơn 4.000 m2, chị trồng hết cỏ voi, cây chuối cho cá ăn. Đợt nào cỏ mọc chậm, không đủ thức ăn cho cá chị đều phải đi xin và lấy trên đồi cách nhà hơn 2 km.

Chị Sen đang dọn dẹp thức ăn thừa tại lồng cá, để cá không bị dịch bệnh.

Chị Sen đang dọn dẹp thức ăn thừa tại lồng cá, để cá không bị dịch bệnh.

Chị Sen phân tích: “Ở đây có diện tích mặt hồ rộng, nước sạch lại gần trung tâm thành phố. Đây là điều kiện thuận lợi nuôi cá sạch bán cho các gia đình có thu nhập cao. So với nuôi các con vật khác, cá trắm đã mang lại lợi nhuận lớn cho gia đình tôi. Mỗi lồng cá tôi thả 200 con trắm, cuối năm thu được khoảng 9 tạ cá thương phẩm. Với giá bán 90.000 đồng/kg, mỗi lồng cá cho thu vài chục triệu đồng. Nếu không bị dịch bệnh thì mỗi năm, chị Sen thu lãi trên 230 triệu đồng”.

Trước đây, vợ chồng chị cũng trải qua nhiều nghề, đầu tư làm ăn nhiều chỗ, cuộc sống khó khăn thiếu thốn, nhưng thấy nhiều hộ nuôi cá bằng cỏ cho thu nhập cao. Vậy nên, chị đã đến học hỏi kinh nghiệm và tiến hành nuôi cá lồng cho tới bây giờ, nuôi cá vẫn cho thu nhập ổn định hơn cả.

Dù nuôi cá sạch tuy chậm lớn nhưng được giá và nhiều người chọn mua.

Dù nuôi cá sạch tuy chậm lớn nhưng được giá và nhiều người chọn mua.

Thoát nghèo nhờ nuôi cá sạch

Theo chị Sen, nuôi cá chủ yếu là bỏ công lấy cỏ, đầu tư vốn không nhiều. Mỗi ngày nửa buổi đi lấy cỏ cho cá, còn lại làm việc khác. Biết chị nuôi hữu cơ, chỉ cho ăn cỏ nên nhiều người tìm đến mua cá. Lúc đầu chỉ 1-2 người quen mua rồi giới thiệu cho nhau. Đến giờ có hàng trăm khách hàng thường xuyên. Quen khách nên mỗi lần gọi điện họ nhờ chị bắt, cân và mổ mang xuống thành phố. Như vậy cũng thuận tiện cho khách hàng không có điều kiện lên lòng hồ mua. Nuôi cá sạch, cho chất lượng thơm ngon, nên chị chẳng phải lo đầu ra. Từ khi chuyển sang nuôi cá, đời sống gia đình chị Sen đã ổn định và thu nhập cao hơn.

Khách hàng đến mua cá của gia đình chị Sen.

Khách hàng đến mua cá của gia đình chị Sen.

Gia đình chị vốn là hộ dân thuộc diện di vén, nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Bao năm làm nương, trồng ngô, trồng sắn mà cuộc sống vẫn nghèo đói. Từ khi nuôi cá sạch, chị Sen thoát khỏi hộ nghèo, còn xây được ngôi nhà 2 tầng bề thế bên lòng hồ Hòa Bình, con của chị được ăn học đến nơi, đến chốn. Có vốn, có kinh nghiệm nuôi cá trắm cỏ, trong năm tới chị sẽ làm thêm 5 - 6 lồng cá nữa. Với cách làm riêng, dám nghĩ, dám làm, tận dụng lợi thế, chị Sen luôn cố gắng, nỗ lực tìm hướng thoát nghèo và làm giàu trên vùng lòng hồ sông Đà.

Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có 5 sông chảy qua, 308 hồ chứa loại lớn, vừa và nhỏ tạo thành các thủy vực lớn giúp hệ sinh thái thủy sinh phong phú, đa dạng. Hồ thủy điện Hòa Bình thuộc địa phận tỉnh có diện tích mặt nước 8.890 ha, phân bố ở 4 huyện, 1 thành phố với 19 xã ven hồ. Nguồn lợi thủy sản của các hồ phong phú về giống, loài; là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loài thủy sản quý hiếm như: cá dầm xanh, cá anh vũ, lăng, chiên... và nhiều loại thủy sản khác.

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, nhiều hộ dân đã tiến hành nuôi cá mang lại thu nhập cao.

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, nhiều hộ dân đã tiến hành nuôi cá mang lại thu nhập cao.

Vừa qua phát biểu khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà, ông Đinh Công Sứ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết: Với diện tích mặt nước lớn, nuôi thủy sản là hướng đi mới và là tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Thủy sản đã đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng ngành nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nghề nuôi cá lồng trên sông Đà.

Theo ông Sứ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.700 ha diện tích mặt nước với 4.940 lồng nuôi cá. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu đặc sản "cá sông Đà - Hòa Bình” và "tôm sông Đà - Hòa Bình”. Cá, tôm sông Đà nổi tiếng khắp các tỉnh thành trong cả nước, đã tạo nguồn thu lớn cho tỉnh và người nuôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bể cá mini 40cm Bể cá mini