Chiếc cầu treo kiên cố, sừng sững vắt ngang dòng Nậm Núa là sự kết nối, đưa văn minh về với bà con người Cống bản địa.
Cuộc sống "sang trang"
Nằm lọt thỏm dưới chân núi, Púng Bon vỏn vẹn 54 nóc nhà, với hơn 250 nhân khẩu đồng bào Cống – một trong ba cộng đồng dân tộc rất ít người tại Điện Biên. Khoảng hơn chục năm về trước, bà con ở đây gần như sống tách biệt với thế giới bên ngoài và được biết đến là điểm “nóng” về ma túy.
Đón chúng tôi là già làng Nạ Văn Súc – một trong số những cao niên ở bản. Tóc đã điểm bạc, song ký ức về một thời gian khó vẫn luôn được ông Súc nhắc lại, mỗi khi có dịp ngồi cùng con cháu. Ông bảo: “Con đường tìm nơi ở và sản xuất mới của người Cống diễn ra liên tục, ròng rã qua hàng chục năm. Đến nỗi, tôi chẳng thể đếm nổi những nơi mình đã đi qua hay sinh sống”.
“Tha phương cầu thực” khắp các triền núi cao giáp biên giới Lào, nên bà con cũng chỉ biết săn bắt, hái lượm trên rừng để sống. Mãi đến năm 1977, được cấp ủy, chính quyền, bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động, những hộ dân đầu tiên mới quyết định dừng lại, chọn Púng Bon làm nơi định cư.
Theo chia sẻ của Bí thư Chi bộ Lò Văn Liên, thì những ngày đầu lập bản, 100% là hộ nghèo, đa phần bà con mù chữ. Cộng thêm việc quen với lối canh tác theo kiểu “chọc lỗ, tra hạt”, nên cái đói cứ kéo từ mùa này sang tháng khác.
Có điện lưới quốc gia, nhiều nhà ở Púng Bon sắm tivi phục vụ giải trí và nắm bắt thông tin. |
“Cuộc sống bà con ở đây chỉ thực sự thay đổi kể từ khi có các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đặc thù cho đồng bào Cống. Trước tiên là đầu tư đồng bộ hạ tầng về điện, đường, trường, trạm y tế… Rồi cấp ủy, chính quyền xã, nhất là cán bộ, đảng viên thường xuyên bám bản, vận động, tuyên truyền, hướng dẫn nên bà con mới biết cách trồng lúa nước, chăm sóc gia súc, gia cầm...”, ông Liên cho hay.
Gia đình ông Lò Văn Mọng trước đây cũng là hộ nghèo. Quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn thiếu đói tới vài tháng. Ông Mọng tâm sự, kể từ khi có Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống, gia đình mới bắt đầu “phất lên”.
Đầu tiên, ông được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để mua trâu, bò sinh sản chăn nuôi. Nhận thấy lúa nước đem lại năng suất cao, mỗi năm có thể trồng 2 vụ, ông Mọng sắm máy móc khai hoang ruộng. Đến nay, gia đình ông đã sở hữu 5.000m2 lúa nước, 1ha lúa nương, 10 con trâu, bò, 3ha ao cá… Không chỉ xây dựng được căn nhà khang trang, ông Mọng còn duy trì nguồn thu ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.
“Quan trọng nhất là chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn để thay đổi nhận thức về trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, tôi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nuôi con gà, con lợn cũng cần phải chăm sóc, thuốc thang chứ không để tự ăn, tự lớn như trước”, ông Mọng bộc bạch.
Ổn cư nhưng chưa phát triển
Theo Trưởng bản Lò Văn Hiệp, vì kinh tế ổn định nên tệ nạn, nhất là ma túy đã giảm hẳn. Bà con cũng quan tâm tới chất lượng cuộc sống hơn. Cơ bản nhà nào cũng có xe máy phục vụ đi lại, tivi và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt là bọn trẻ trong bản đều được đi học đầy đủ, đúng độ tuổi. Thống kê cuối năm 2021 vừa qua, bản chỉ còn 20 hộ nghèo; không còn nhà tạm, dột nát.
Song, khi đề cập đến hướng phát triển kinh tế cho bà con trong bản ông Hiệp cũng bày tỏ không ít trăn trở. Thừa nhận, các hộ dân giờ đã yên tâm ổn định cuộc sống, nhưng để phát triển hơn nữa thì khó. Đặc biệt là công tác xóa nghèo cho các hộ còn lại.
Trẻ em dân tộc Cống ở Púng Bon được đến trường đầy đủ, đúng độ tuổi. |
“Xưa nay bà con ở đây chỉ biết bám ruộng và nương. Trong khi đất sản xuất lại hạn hẹp. Nhiều nhà vẫn loay hoay không biết làm gì cho hiệu quả. Thế nên, để có thu nhập trang trải cuộc sống, đa phần thanh niên đều ra ngoài thành phố làm thuê. Trước mắt là vậy chứ về lâu dài thì không ổn định được”, ông Hiệp bày tỏ.
Nổi lên giữa những nếp nhà gỗ kiên cố ở Púng Bon là một vài nóc nhà xây khang trang, lợp tôn xanh, đỏ. Nhiệt tình mời chúng tôi ghé thăm nhà, Nạ Thị Thoan bảo: “Bản này có mấy ngôi nhà xây thôi. Căn to đẹp nhất là của một hộ kinh doanh. Nhà em bên này, mới xây xong đầu năm nay nhưng nhờ tiền đền bù”.
Theo lời Thoan kể, thì phần lớn kinh phí làm nhà là từ tiền đền bù của một dự án đang được triển khai trong bản. Cả 2 vợ chồng Thoan vốn chưa có việc làm ổn định. Hiện nay, Thoan chỉ ở nhà trông con, chồng đi làm phụ hồ ở ngoài. Cứ có người gọi phụ ở đâu, chồng Thoan đi đó. Mỗi tháng tích cóp được khoảng 3 triệu đồng gửi về cho vợ, tạm đủ lo chi phí học tập cho 2 con.
“Nhà em không trồng cấy hay chăn nuôi thêm được cây, con gì. Chỉ có ít ruộng lúa, nên mình em làm là được. Một năm cũng tạm đủ gạo ăn cho cả nhà. Thế nhưng, ở trong bản này, ít hộ có ruộng như nhà em lắm, đa phần vẫn làm nương thôi”, Thoan nói.
Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: “Nếu như không có chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là cộng đồng dân tộc rất ít người sẽ khó có được cuộc sống ấm no, ổn định như ngày nay. Bà con được đầu tư về đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường lớp học… thậm chí còn nhận hỗ trợ từ gói muối, chai dầu”.