Quan niệm về bằng cấp trong xã hội đã cởi mở hơn. Lập thân có nhiều con đường, quan trọng là đích đến cuối cùng có phù hợp không.
Thành công nhờ “trường đời”
Doanh nhân Đinh Tuấn Ân có lẽ là tấm gương khởi nghiệp từ “trường đời” mà không ít bạn trẻ đều biết. Anh không chỉ là chủ nhân của quyển sách 16 lần tái xuất bản: “Giá như tôi biết những điều này trước khi học đại học”, mà còn là tấm gương của nghị lực vươn lên phi thường.
Tuấn Ân (sinh năm 1989) trở thành sinh viên Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM năm 2008 nhưng sau gần 4 năm học tập, anh không tìm thấy niềm đam mê, thậm chí còn cảm thấy bối rối, hụt hẫng và không tìm ra được định hướng cho con đường tương lai trong suốt thời gian dài...
Quyết định tạm gác việc học khi sắp có một công việc ổn định để giải thoát cho sự bối rối của mình, Tuấn Ân tìm đến những cuốn sách. Anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về kinh doanh qua trang sách và tự trải nghiệm bằng công việc như bưng bê, phụ hồ, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên nhà hàng tiệc cưới…
“Mình có ước mơ thì phải hiện thực hóa nó bằng hành động. Nhưng đường đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nó sẽ có chông gai, đứt gãy. Quan trọng là có dám đi đến tận cùng ước mơ đời mình hay không? Đó là lý do tôi rẽ hướng khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học” – Tuấn Ân nói.
Luôn cháy trong mình là niềm đam mê kinh doanh, nhưng Tuấn Ân lại loay hoay với câu hỏi: Kinh doanh gì? Bắt đầu từ đâu?... để rồi trong một lần đi dạo, anh bị choáng ngợp trước hình ảnh lộng lẫy, hoành tráng của một cửa hàng gà rán KFC mới khai trương trên phố. Anh lại chợt nhớ gánh hàng rong với tiếng rao rất đỗi thân quen, đi cùng với tiếng ầu ơ của mẹ đã ăn sâu vào tuổi thơ người con đất Quảng Ngãi: “Ai tàu hũ không?”.
“Khi đó, tôi tự hỏi tại sao ông già người Mỹ kia với niềm đam mê ẩm thực lại có thể đưa món gà rán của mình đi khắp thế giới. Tại sao mình không thể làm thế với món tàu hũ quê hương? Tôi tin mình sẽ làm được như thế. Đó là lần đầu tiên sau bao năm lăn lộn, học hành tôi mới cảm nhận được trọn vẹn cảm giác tự tin ở chính mình, tự tin mình sẽ làm được tất cả mọi thứ” - Ân chia sẻ.
Tròn 8 năm sau ngày mang giấc mơ đời mình vào cuộc sống, Đinh Tuấn Ân trở thành ông chủ của hệ thống cửa hàng “Tàu hũ Orisoy” (danh sách thực đơn có hơn 30 loại tàu hũ) với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, đã và đang nổi tiếng khắp TPHCM.
Chọn nghề phù hợp
Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ,TB&XH nhìn nhận: 2 năm nay xu hướng về lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, phụ huynh có sự thay đổi rõ nét. Thay vì đổ xô vào đại học, nhiều học sinh, phụ huynh đã tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn cánh cửa khác để bước vào tương lai.
“Năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường CĐ-TCCN là hơn 22.000 em, tăng gần 50% so với năm 2018. Năm 2020, dự báo con số trên sẽ tiếp tục tăng khi công tác hướng nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả, cũng như nhóm ngành nghề trọng điểm quốc gia tại các trường có sức hút rất lớn với học sinh. Đây là điều đáng mừng” - ông Hùng nói.
Chọn học nghề không chỉ là xu hướng gia tăng với học sinh THPT, nhiều trường CĐ còn ghi nhận hiện tượng “dòng chảy ngược” khi xuất hiện không ít sinh viên từng theo học đại học nhưng lại chuyển hướng đi học nghề. TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết: Nhà trường ghi nhận khoảng 17 hồ sơ dạng trên ghi danh theo học các ngành “hot” của nhà trường như: Kỹ thuật dược, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí và công nghệ chế tạo máy.
“Đây là tín hiệu tốt cho thị trường lao động vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động lành nghề như Việt Nam. Thực tế tuyển sinh và đào tạo tại nhà trường cho thấy rõ điều đó. Sinh viên khối ngành kỹ thuật của trường sau tốt nghiệp đã được các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác nhận về làm ngay. Nhiều em sau khi ra trường đi làm, tiếp tục học lên và thành công bằng chính nghề nghiệp mình yêu thích, chọn lựa. Điều đó cho thấy, thành công của mỗi cá nhân không phụ thuộc vào việc phải có tấm bằng đại học, mà nó là sự lựa chọn phù hợp với khả năng bản thân”, TS Lê Lâm nói.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng, Giám đốc chương trình dự báo nguồn nhân lực (Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế), Việt Nam là quốc gia có đội ngũ nhân lực dồi dào nhưng khi hội nhập với thị trường lao động trong khối ASEAN lại thể hiện sự mất cân đối giữa nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phát triển của các ngành nghề trong quá trình hội nhập.
“Sự mất cân đối bao gồm cả về ngành nghề. Đó là sự lựa chọn ngành nghề không phù hợp và bậc học - chọn bậc học chưa đúng yêu cầu thị trường. Điều này một phần do nhiều em nghĩ rằng chỉ có học đại học mới có thể thành công trong cuộc sống. Đại học đúng là một yếu tố để thành công nếu các em thực sự phù hợp với năng lực, tư duy hàn lâm, nhưng nếu chọn sai sẽ thấy chán nản và mất phương hướng.
Vì thế, chọn được một ngành nghề phù hợp rất quan trọng, bởi nghề nghiệp sẽ theo mình gần như suốt cuộc đời. Thực tế cho thấy có những ngành nghề không cần học đại học vẫn có thể thành công. Cốt yếu là bản thân từng học sinh phải biết mình có khả năng tới đâu, thích gì, làm tốt gì… để chọn ngành. Học CĐ hay TCCN không quá quan trọng vì đích đến là đi làm, kiếm thu nhập chứ không phải cầm tấm bằng đại học mới thành công”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Công tác hướng nghiệp đã có những dịch chuyển rõ nét, định hướng nghề nghiệp nơi học sinh ngày một tốt hơn. Vấn đề cần tháo gỡ chính là áp lực, định hướng từ các bậc phụ huynh phải được gỡ bỏ. Thực tế, không ít học sinh vẫn chọn ngành theo sự sắp đặt của cha mẹ. Đó là sai lầm. Lập thân có nhiều con đường, quan trọng con đường ấy phải phù hợp với từng cá nhân. - TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM