Đức dự kiến sẽ cung cấp tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 400 km cho Ukraine vào cuối tháng này. Đây không phải là KEDP-350 Taurus - loại tên lửa mà Kyiv đã nhiều lần yêu cầu.
Việc công bố một loại tên lửa chưa được xác định đã đặt ra câu hỏi về loại vũ khí mà Berlin dự định cung cấp, xét đến những hạn chế mà chính phủ Đức đã nêu trước đó.
Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khi phát biểu tại Kyiv đã xác nhận rằng việc cung cấp Taurus không được xem xét, nhưng Berlin vẫn tiếp tục tìm cách tăng cường năng lực quân sự của Ukraine, bao gồm tài trợ cho việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và cung cấp các hệ thống vũ khí khác.
Cần nhấn mạnh, Đức vẫn là nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn nhất châu Âu cho Ukraine, với khoảng 9 tỷ euro đã được phân bổ vào năm 2025, bao gồm 1,9 tỷ euro đang chờ Quốc hội Đức phê duyệt.
Tuy nhiên việc từ chối chuyển giao tên lửa Taurus, có tầm bắn tối đa 500 km bắt nguồn từ lo ngại leo thang xung đột.

Thay vào đó, Đức đang tích cực đầu tư vào các nhà máy sản xuất vũ khí Ukraine, phân bổ tới 400 triệu euro cho việc phát triển và sản xuất tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 2.500 km, cũng như các máy bay không người lái như Bars và Lyuty.
Điều này có thể cho thấy loại tên lửa hành trình được công bố với tầm bắn tối đa 400 km là một sản phẩm của Ukraine do Đức tài trợ.
Trong những tháng gần đây, Ukraine đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa của riêng mình, bắn trúng mục tiêu cách tiền tuyến hơn 400 km.
Sản phẩm được hỗ trợ bởi đầu tư của Đức có thể bao gồm các phiên bản tiên tiến của máy bay không người lái cảm tử hoặc tên lửa hành trình, có khả năng cạnh tranh với các đối thủ phương Tây như Storm Shadow hoặc SCALP.
Mặc dù vậy, các nhà máy vũ khí của Ukraine vẫn là mục tiêu ưu tiên cho những cuộc tấn công của Nga, gây khó khăn cho việc sản xuất hàng loạt.