Tạo đà cho giáo dục Khánh Hòa phát triển

GD&TĐ - Sau sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, quy mô của ngành Giáo dục Khánh Hòa có khoảng 440.000 học sinh các cấp học. 

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận) trong Lễ tri ân và trưởng thành năm học 2024-2025.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận) trong Lễ tri ân và trưởng thành năm học 2024-2025.

Năm học 2024-2025, tỉnh Ninh Thuận cũ có 10.474 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm nhận quản lý và giảng dạy khoảng 150.889 học sinh/4.749 lớp, thuộc 297 cơ sở giáo dục (tăng 3.917 học sinh, giảm 166 lớp và 1 cơ sở giáo dục so với năm học 2023-2024).

Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa trước khi sáp nhập có 521 trường mầm non, phổ thông và trung tâm. Trong đó, có 202 trường mầm non (gồm 159 trường công lập, 43 trường ngoài công lập); 160 trường tiểu học; 121 trường THCS; 34 trường THPT (gồm 29 trường công lập, 5 trường ngoài công lập) và 4 trung tâm.

Sau hợp nhất, quy mô trường lớp các bậc học của tỉnh Khánh Hòa khoảng 225 trường mầm non, tiểu học: 279; THCS: 180; THPT: 51 trường... với gần 30.110 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Số lượng học sinh khoảng 440.000 học sinh các bậc học.

khanh-hoa-2.jpg
Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (phường Ba Ngòi, tỉnh Khánh Hòa) sinh hoạt ngoại khóa.

Từ năm 2023, tỉnh Khánh Hòa chủ động phê duyệt kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập giai đoạn 2023-2025. Theo đó, dự kiến giảm 66 trường trên tổng số 491 đơn vị trường học công lập, giảm 10% biên chế. Đến đầu tháng 3/2024, ngành GD&ĐT Khánh Hòa đã rà soát, sắp xếp, giảm 17 cơ sở giáo dục, đạt 28.8% lộ trình sắp xếp.

Ngành GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cũng tiến hành rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, giảm điểm lẻ, bố trí giáo viên phù hợp giữa các cấp học để tối ưu tỉ lệ giáo viên/lớp và đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp với các môn học đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Trước thời điểm 1/7, tỉnh Khánh Hòa (cũ) chủ động lên phương án sắp xếp bộ máy hành chính cấp chính quyền cơ sở, trong đó có 426 trường học các cấp cùng với 12.530 người thuộc biên chế viên chức giáo dục tại các huyện, thị xã, thành phố.

Theo đó, 4 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS thuộc UBND TP Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cùng với 91 người thuộc biên chế giáo dục tại các trường này chuyển về thuộc Sở GD&ĐT Khánh Hòa. Còn lại 422 trường mầm non, tiểu học, THCS cùng 12.440 người là viên chức giáo dục tại các trường sẽ được bố trí thuộc biên chế các xã, phường mới trên địa bàn trường đóng chân.

Sau hợp nhất tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, ông Võ Hoàn Hải được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa (mới).

Ngành GD&ĐT Khánh Hòa có nhiều thuận lợi trong nâng cao chất lượng giáo dục khi đây là một trong những địa phương có những chính sách nổi trội trong đầu tư cho giáo dục. Khánh Hòa được xem là một trong những địa phương có nhiều bước chuyển mạnh mẽ khi thực hiện chuyển đổi số, tiêu biểu là xây dựng hệ thống dữ liệu cho ngành Giáo dục và đưa vào thử nghiệm Trung tâm điều hành giáo dục. Khánh Hòa có 67,69% trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia.

Tương tự, Ninh Thuận có nhiều chính sách thu hút ngân sách ngoài nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục. Giai giai đoạn 2015-2023, Ninh Thuận thu hút được hơn 606 tỷ đồng đầu tư vào giáo dục. Nhờ đó, mạng lưới trường, lớp ngoài công lập ngày càng mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Ninh Thuận có một số chính sách ưu tiên cho thuê đất, giao đất theo chủ trương của Chính phủ; miễn thuế sử dụng đất, thuê đất đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận và khuyến khích phát triển giáo dục tư thục, tạo điều kiện cho hàng chục dự án đầu tư có quy mô lớn tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng.

Cẩm nang gỡ rối ‘mê cung’ ngữ pháp tiếng Trung

GD&TĐ - Với nhiều người học tiếng Trung, ngữ pháp là thử thách không hề nhỏ, đặc biệt ở trình độ trung cấp, khi lượng kiến thức ngày càng mở rộng và đòi hỏi khả năng vận dụng linh hoạt.