Con đường gập ghềnh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vào tháng trước, NATO chính thức thông báo đang lên kế hoạch để mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở châu Á tại Nhật Bản vào năm 2024.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kế hoạch mở rộng sự hiện diện của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực châu Á bằng việc mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản đang vấp phải sự phản đối của Pháp - thành viên chủ chốt của khối.

NATO và Nhật Bản đã thảo luận về kế hoạch mở văn phòng liên lạc đầu tiên tại Tokyo từ năm 2007, khi Thủ tướng Nhật Bản thời đó là ông Shinzo Abe lần đầu tiên đến thăm trụ sở của khối này. Trong những năm qua, Tokyo đã tăng cường hợp tác với NATO. Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida cũng trở thành nhà lãnh đạo Nhật đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm ngoái.

Vào tháng trước, NATO chính thức thông báo đang lên kế hoạch để mở văn phòng liên lạc đầu tiên ở châu Á tại Nhật Bản vào năm 2024. Văn phòng này sẽ cho phép NATO tiến hành tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong khu vực như Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Trước đó, NATO cũng đã thành lập các văn phòng liên lạc tương tự tại Liên Hợp Quốc ở New York, tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna, cũng như ở Georgia, Ukraine, Bosnia và Herzegovina, Moldova và Kuwait. Các văn phòng hầu hết đều có quy mô nhỏ và được thiết kế để giúp NATO liên lạc với chính phủ và quân đội nước sở tại.

Còn đối với kế hoạch tại Nhật Bản, theo tờ Financial Times dẫn nguồn tin riêng ngày 6/6 tiết lộ, chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng phản đối kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo, với lý do liên minh quân sự này không nên vươn ra ngoài khu vực lõi Bắc Đại Tây Dương.

Theo quy định, việc thành lập một trung tâm liên lạc ở Tokyo sẽ cần có sự nhất trí của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương - cơ quan ra quyết định chính trị cao nhất của NATO. Điều này đồng nghĩa là Pháp có quyền bác bỏ đề xuất này. Theo lập luận của Tổng thống Macron, ông tin rằng Hiến chương NATO áp đặt các giới hạn địa lý ngăn cản khối này mở rộng hiện diện sang châu Á.

Tổng thống Macron cảnh báo NATO sẽ mắc phải sai lầm lớn nếu thúc đẩy mở rộng phạm vi và hiện diện về mặt địa lý ở châu Á. Một trong những lý do đằng sau quan điểm này của người đứng đầu nước Pháp được cho là do Paris không sẵn sàng ủng hộ bất kỳ chính sách nào có thể góp phần gây căng thẳng giữa NATO và Trung Quốc.

Trước đó hồi tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning tuyên bố NATO nên duy trì trong phạm vi ảnh hưởng của mình và không tìm cách tăng cường sự hiện diện ở châu Á, do khu vực này “không hoan nghênh các khối đối đầu hoặc các khối quân sự”.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định châu Á là “một miền đất hứa cho sự hợp tác và phát triển”, “không nên trở thành đấu trường địa chính trị”. Do đó quan điểm của Bắc Kinh trong việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông ở châu Á - Thái Bình Dương, là can thiệp vào các vấn đề khu vực, âm mưu phá hoại hòa bình và ổn định, đồng thời thúc đẩy đối đầu trong khối, cho thấy các quốc gia trong khu vực cần phải cảnh giác cao độ.

Trong các quốc gia phương Tây hiện nay, Trung Quốc được cho là có quan hệ với Pháp nồng ấm hơn cả, bằng chứng là cuộc đón tiếp thân tình dành cho chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới Bắc Kinh hồi tháng 4 vừa qua.

Mối quan hệ này có thể sẽ là lực cản ngăn chặn sự mở rộng hiện diện của NATO tại châu Á, điều mà Trung Quốc không hoan nghênh, trong khi Pháp với tư cách thành viên quan trọng của NATO có thể phủ quyết các quyết định của khối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.