Có thực mới vực được đạo

GD&TĐ - Tình hình đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học đang có nhiều khó khăn...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Số liệu thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, dù tổng mức đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ liên tục tăng từ 0,19% GDP (2011) lên 0,53% (2020), nhưng chưa đạt mục tiêu 2% GDP vào năm 2020.

Từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ giảm dần và năm thấp nhất là 0,82%. Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam thấp hơn gần 5 lần so với mức trung bình toàn cầu là 2,23%.

Tình hình đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học theo đó càng khó khăn hơn. Ông Christophe Lemiere, Trưởng ban Phát triển con người, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định kinh phí nghiên cứu phân bổ cho các trường đại học còn thấp, chưa tương xứng năng lực và tiềm năng.

Tỷ lệ nhân lực nghiên cứu và phát triển của trường đại học ở Việt Nam khoảng 50%, tuy nhiên ngân sách Nhà nước phân bổ cho nghiên cứu tại các trường đại học chỉ chiếm 16%.

Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trường có 636 giảng viên, trong đó 424 tiến sĩ, 128 giáo sư, phó giáo sư, mỗi năm chỉ được đầu tư khoảng 6 - 8 tỷ đồng, tức mỗi giảng viên có từ 10 - 15 triệu đồng/năm cho nghiên cứu khoa học.

Nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ nói chung đã thấp nhưng đầu tư lại manh mún, thiếu hiệu quả. Theo các chuyên gia, thời gian qua, với khoản dành cho khoa học công nghệ, nhiều địa phương không chi hết do không có nhiều nghiên cứu. Trong khi đó các trường đại học, nơi sáng tạo và có nhiều nghiên cứu nhất, cũng như tạo ra nhiều thế hệ nhà nghiên cứu tiềm năng thì chưa được đầu tư tương xứng.

Trong bối cảnh tự chủ tài chính, nguồn thu chủ yếu của các trường đại học dựa vào học phí, phần lớn để trang trải cho hoạt động đào tạo. Bài toán tài chính dành cho nghiên cứu khoa học trong nhà trường vì thế vẫn tắc, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đạt được chưa như kỳ vọng và tiềm năng.

Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định khoa học công nghệ là một trong 3 mũi đột phá chiến lược để xây dựng và bảo vệ đất nước, do đó đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ ở trường đại học là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Có thực mới vực được đạo, tăng cường đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong giáo dục đại học trở thành yêu cầu cấp bách. Ông Christophe Lemiere đưa ra con số cụ thể, đó là cần dành hơn 30% đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu và phát triển tại trường đại học, tức hơn 117 triệu USD/năm.

Song song với tăng nguồn lực từ Nhà nước, đầu tư có trọng điểm, để có tài chính cho nghiên cứu, các trường đại học cần tăng huy động từ nhiều nguồn: Tự chủ nhà trường, đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương… Hiện, các quỹ tư nhân, quỹ phi lợi nhuận cũng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển.

Do đó, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các quỹ, tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ… để trường đại học được mạnh nguồn lực, thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.