Tuy nhiên, để đạt hiệu quả mong muốn đòi hỏi các nhà trường, gia đình tạo điều kiện, có chính sách khen thưởng, tạo động lực cho cả thầy và trò.
Thách thức từ thực tế
Ở nhiều trường học, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh nên việc triển khai hướng dẫn bỡ ngỡ, không phát huy hiệu quả vào quá trình dạy và học. Không phủ nhận một bộ phận giáo viên ngại hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học bởi hạn chế kinh nghiệm, ngại khó, sợ thêm việc, thiếu nhiệt tình.
Thầy Vũ Văn Tiền, Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: “Có giáo viên khi được giao nhiệm vụ hướng dẫn tỏ ra lúng túng. Mặt khác, phương pháp nghiên cứu khoa học đòi hỏi kĩ thuật phức tạp, sự tỉ mỉ, cần ứng dụng kiến thức khoa học công nghệ… nên cũng khó triển khai ở cấp học này...”.
Thầy Phạm Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk còn cho rằng, yếu tố kinh tế - xã hội cũng trở thành một trong những tác động đến ham mê khoa học của học sinh. “Gia đình nhiều em làm nông nghiệp nên chưa hiểu hết tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong học tập. Do đó, phụ huynh không ủng hộ con em mình. Nhiều dự án nằm trong tình trạng dừng lại ở ý tưởng, không thể triển khai bởi thiếu điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí…”, thầy Sinh cho biết.
Thực tế hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông còn cho thấy nhiều nhà trường chưa chủ động trong khâu tổ chức. Do đó, học sinh phải tự mày mò tìm hiểu, thiếu sự kết nối, tư vấn từ các nhà khoa học khá sẵn trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Từ đó, dẫn tới đề tài nghiên cứu của học sinh quá sức, đi sai định hướng cần nghiên cứu ban đầu, không đạt hiệu quả như mong đợi.
Ảnh minh họa ITN. |
Phát huy sức mạnh trụ cột
Theo NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định: Để tổ chức cho học sinh làm quen với hoạt đông nghiên cứu khoa học trong các nhà trường phổ thông hiện nay hiệu quả, phát huy ý nghĩa trong dạy và học… cần sự thay đổi từ tư duy cá nhân đến nguồn lực. Tư duy ở đây là các thầy cô cần mạnh dạn làm quen, giúp đỡ học sinh tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Đâu cần gì cao siêu, có thể bắt đầu với đề tài nhỏ, gắn với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của học trò. Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo điều kiện nhất định cho việc nghiên cứu, cụ thể là phòng thí nghiệm, nguồn kinh phí…”, NGƯT Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.
Ý kiến từ chuyên gia, quản lý giáo dục cũng khẳng định hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông để đạt hiệu quả, cần thay đổi nhận thức, hiểu biết ở cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Muốn làm được điều này, nhà trường cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM, tìm kiếm ý tưởng và tổ chức các cuộc thi cấp trường. Cùng đó, cần làm tốt công tác xã hội hóa để giải bài toán kinh phí và cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Quá trình này cần chú trọng, tăng cường công tác phối hợp 3 trụ cột: Gia đình – nhà trường – chuyên gia (nhà khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học).
Từ quá trình triển khai tại cơ sở, thầy giáo Nguyễn Văn Chiểu, Hiệu trưởng Trường THPT C Hải Hậu (Nam Định) chia sẻ: Muốn tăng cường hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo viên cần có kiến thức khoa học, biết khai thác các nguồn tài liệu, có kĩ năng sử dụng công nghệ để hỗ trợ nghiên cứu. Quá trình triển khai, thầy cô phải là người đồng hành, hỗ trợ chứ không làm thay để biến ý tưởng của học sinh thành hiện thực. Đặc biệt, giáo viên hướng dẫn cần sẵn sàng tâm lý, tư duy giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, chứ không nặng về ý nghĩa và giá trị như với công trình khoa học lớn khiến học sinh e ngại...
Thầy Nguyễn Anh Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Yên Bái cũng khẳng định: Muốn đạt được kết quả cao trong giúp đỡ học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, cần sự đầu tư, ủng hộ từ nhà trường, giáo viên, gia đình và nỗ lực của học trò. Đặc biệt, hơn ai hết giáo viên cần đam mê, truyền lửa, có kiến thức tốt ở nhiều lĩnh vực. Khả năng hướng dẫn học sinh thực hiện dự án cũng phải được giáo viên trau dồi, có tầm nhìn xa, dự đoán và quyết đoán dựa trên vốn hiểu biết, kinh nghiệm của cá nhân đã trải qua.
“Khi học sinh làm quen, biết vận dụng kiến thức trong sách vở vào giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống… từ hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ giúp các em hình thành tình yêu khoa học, học tập hiệu quả. Mặt khác, từ sân chơi nghiên cứu khoa học bổ ích, trí tuệ, giúp học sinh khỏi bỡ ngỡ khi bước vào đại học, bắt đầu việc nghiên cứu một cách tự tin, chuyên sâu. Việc tạo mối quan hệ tốt giữa trường phổ thông với cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu… để tìm kiếm sự trợ giúp cho học sinh trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng cần được chú trọng”, NGƯT Cao Xuân Hùng cho biết.