Không để khó chồng khó nghiên cứu khoa học trong trường đại học

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học ở các trường đại học thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Nghiên cứu thành công phôi dừa sáp tại Trường Đại học Trà Vinh.
Nghiên cứu thành công phôi dừa sáp tại Trường Đại học Trà Vinh.

Nguyên nhân có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là hạn chế đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất… Trong bối cảnh năm học mới không tăng học phí, các trường đại học sẽ phải nỗ lực tìm ra lời giải để vượt qua khó khăn cho hoạt động này.

Khó từ nhiều hướng

TS Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ GD&ĐT), đã chỉ ra các kết quả nghiên cứu khoa học trong trường đại học còn nhiều hạn chế, chưa có đóng góp nổi bật cho ngành Giáo dục hoặc góp phần tạo bước chuyển biến phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, sự gắn kết của các cơ sở giáo dục đại học với viện nghiên cứu trong đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng kết quả nghiên cứu cho đào tạo còn hạn chế.

Đặc biệt, theo TS Hiếu, việc huy động nguồn lực tài chính từ ngoài ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học chưa đủ mạnh; vai trò của các công trình còn nhẹ, mang tính hình thức; nghiên cứu khoa học chưa thực sự trở thành một trong những trụ cột của các trường đại học (Khoa học – Đào tạo – Phục vụ cộng đồng).

Nhiều nguyên nhân dẫn tới khó khăn về nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, có thể thấy các cơ sở giáo dục đại học chưa phát huy hết nội lực, năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên. Về đầu tư tài chính, hầu hết hệ thống hạ tầng phục vụ nghiên cứu yếu kém, phòng thí nghiệm, máy móc trang thiết bị lạc hậu, chất lượng hệ thống xuất bản khoa học, hệ thống đánh giá nhiều bất cập.

Ngân sách Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học còn thấp, và ngày càng có xu hướng giảm trong khi nguồn tài chính từ trường đại học đầu tư cho nghiên cứu và việc xã hội hóa giáo dục còn hạn chế. Những nguyên nhân này dẫn đến kinh phí nghiên cứu bình quân ngày càng thấp, chưa thực sự tạo động lực để các giảng viên, nhà khoa học chuyên tâm với nghiên cứu.

PGS.TS Lê Văn Thanh, Trường Đại học Mở Hà Nội cũng chỉ ra, trong khi nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa tạo được nguồn thu đáng kể, các cơ sở lệ thuộc quá lớn vào học phí, thì năm học 2023 - 2024 này, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc sửa Nghị định 81, theo hướng không tăng học phí, người học sẽ được giảm gánh nặng, nhưng các đại học sẽ càng khó khăn hơn khi muốn đầu tư phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học.

Như vậy, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động nghiên cứu khoa học thì vấn đề quan trọng và cần thiết vẫn là cải thiện thu nhập và điều kiện nghiên cứu khoa học.

ĐHQGHN đẩy mạnh triển khai các nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế.
ĐHQGHN đẩy mạnh triển khai các nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế.

Nỗ lực vượt lên chính mình

Mặc dù vậy, không ít nghiên cứu khoa học chưa chứng minh được khả năng ứng dụng hay giá trị thực tế để tạo nguồn thu từ xã hội. Các đề tài quá vi mô hoặc vĩ mô, không phù hợp với thực tế xã hội.

Mặt khác, không loại trừ một số công trình, đề tài nghiên cứu được thực hiện để “đối phó tình thế” (đề bạt chức danh GS và PGS) hơn là nhắm đến giải quyết những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm. Cũng vì lý do đó mà những nghiên cứu này chỉ “sống” ngắn hạn và có giá trị xếp cho đầy danh mục các cơ sở giáo dục đại học. Làm sao gắn nghiên cứu khoa học với thực tế là điều các cơ sở giáo dục đại học phải tự tìm câu trả lời.

Vấn đề hạn chế đầu tư nguồn lực dẫn tới ảnh hưởng hoạt động nghiên cứu khoa học cũng là nguyên nhân lớn và không thể phủ nhận. Tuy nhiên không phải cứ khó là không làm hoặc làm hình thức... Giải bài toán kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, thời gian vừa qua, một số cơ sở giáo dục đại học đã theo hướng các đại học phương Tây khi được doanh nghiệp đứng sau hỗ trợ, thực hiện các đơn đặt hàng cho chính doanh nghiệp đó.

Một minh chứng cho cách làm hiệu quả này là Trường Đại học Phenikaa. Trước đây, trường có tên là Trường Đại học Thành Tây, từng tuyển sinh khó khăn, có thời điểm tưởng như phải đóng cửa.

Tuy nhiên, sau khi Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group) tiếp quản trường và đổi tên thành Trường Đại học Phenikaa thì với sự đầu tư rất lớn việc tuyển sinh ổn định. Đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học đã có sự bứt phá. Trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, huy động được nguồn lực chất xám về đầu quân, thực hiện các nghiên cứu đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và xã hội.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Trà Vinh cũng là ví dụ tiêu biểu trong nỗ lực vượt khó nghiên cứu khoa học. PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng trường, chia sẻ:

Chúng tôi chỉ có cách tự làm mình lớn lên với quan điểm trường đại học phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học của trường không tìm những đề tài khoa học quá lớn mà là những đề tài gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng. Ví như đề tài “Mô hình nuôi thành công tôm sú bố mẹ sạch bệnh”, “Nuôi cấy phôi - mô dừa sáp”; “Tạo ra các giống lúa chịu hạn mặn, sản xuất lúa chuẩn VietGAP”; mô hình nuôi cua biển tại Duyên Hải…

“Những đề tài nghiên cứu khoa học thực tế không chỉ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế nhất định trong sản xuất trên địa bàn tỉnh, mà còn giúp hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường phát triển, thực tế dù vấn đề đầu tư kinh phí còn hạn hẹp” - PGS.TS Phạm Tiết Khánh chia sẻ.

Định hướng nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội là các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm triển khai phải phù hợp với chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, bám sát quy hoạch các địa phương. Đại học Quốc gia Hà Nội cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đặt hàng, đầu tư để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên nguyên tắc đối ứng. Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm và cam kết tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách...” - ông Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.